Nam bộ - Những ngày cách mạng tháng tám: Xứ ủy Giải phóng ra họp muộn

21/08/2022 07:30 GMT+7

Viết trong hồi ký Từ đất Tiền Giang , bà Nguyễn Thị Thập cho biết đầu tháng 7.1945, đặc phái viên của Trung ương - ông Bùi Lâm cùng ông Cao Hồng Lãnh vào lấy đại biểu ra dự Hội nghị Tân Trào. Dự kiến hội nghị sẽ họp vào khoảng giữa tháng 8.

Đoàn “Việt Minh cũ” ra bắc

Xứ ủy Giải phóng liền tổ chức cuộc họp tại Láng Le. Ông Bùi Lâm đề nghị: “Trước mắt, tạm thời có một đề cương phối hợp hoạt động chung ghi thành nguyên tắc sử dụng trong vài tháng. Hai bên cử đại biểu ra họp Hội nghị Tân Trào rồi sau đó sẽ có chủ trương mới”.

“Bên chúng tôi cử anh Dưa (người Châu Đốc), tôi và anh Lý Phú Xuân đại diện tổ chức Hòa Hảo ở Cần Thơ. Lúc này tôi đang đi vận động tiền và tổ chức thêm cơ sở để chuẩn bị khởi nghĩa”, bà Nguyễn Thị Thập viết.

Bà Nguyễn Thị Thập (thứ 2 từ phải sang) tại Việt Bắc

tư liệu Hội LHPN Việt Nam

Lúc này, có hai con đường ra Bắc. Một con đường đi bí mật nhưng mất nhiều thời gian. Tình hình khi đó cần ra sớm ngày nào tốt ngày đấy, cho nên đi công khai sẽ nhanh hơn. Song đi công khai khó hơn vì phải đóng vai tư sản. Bà Thập vào vai một nhà tư sản khi trong tay tiền bạc, áo quần đều chẳng có.

Bà Nguyễn Thị Thập đi gặp bà Thái Thị Liên, em gái trạng sư Thái Văn Lung. Nghe xong câu chuyện, bà Thái Thị Liên và bà Sáu Kim Nguyên (chủ tiệm cầm đồ, trước Cách mạng tháng Tám - vào kháng chiến bà lấy ông Hoàng Dư Khương) liền ra tay giúp. Họ chuẩn bị cho bà Thập một va li gồm sáu, bảy bộ quần áo, cả áo dài, áo ngắn, toàn loại hàng đắt tiền, may kiểu Lơ-muya thời trang nhất. Chuẩn bị xong xuôi, phái đoàn “Việt Minh cũ” lên đường ra Bắc. Trong đoàn có bà Nguyễn Thị Thập, ông Lý Phú Xuân là đại diện Phật giáo Hòa Hảo, ông Bùi Lâm - đặc phái viên Trung ương, ông Lê Hữu Kiều…

Chuyến đi lần này ngưng đọng nhiều cảm xúc với bà Nguyễn Thị Thập:

“Chuyến đi xa đầu tiên giúp tôi nhìn rõ đất nước hơn. Trước đây tuy có đi hoạt động, nhưng chỉ quanh quẩn ở các tỉnh phía nam. Hễ có ai ở ngoài vào, bà con Nam bộ đều gọi chung là Thầy Huế, chứ chẳng biết ở địa phương nào, Trung hay Bắc”.

Xe ra tới Huế lúc 4, 5 giờ chiều. Huế tháng 8.1945 cũng đang sôi nổi rộn rịp chuẩn bị khởi nghĩa. Nghỉ chân ở Huế, các thành viên trong đoàn lần đầu tới kinh đô được giới thiệu về sông Hương trước mắt, xa xa là núi Ngự Bình, bên này là tòa Khâm sứ, bên kia có chợ Đông Ba... Đoàn tranh thủ mua tờ báo Bình Minh để đọc xem tình hình xã hội ở Huế lúc này.

Từ Hà Nội trở về Sài Gòn

Rời Huế, đoàn đi tiếp đến Thanh Hóa. Bà Nguyễn Thị Thập xúc động trước cảnh sáng sớm thấy vài ba chiếc xe ba gác chất đầy xác chết, cót két kéo đi chôn. Bà kể trong hồi ký:

“Trẻ em nheo nhóc, gầy còm, mắt thô lố tha thẩn bới đống rác nhặt lá gói bánh nhai. Người đi lò dò như những cái bóng, quần áo tả tơi. Họ men theo giậu chuối, bờ tre tìm gì? Một lá khoai, một con dế, con ốc hay bất cứ thứ gì ăn được để cầu lấy sống. Nghe như có tiếng nói vang vọng, lặp đi lặp mãi trong lòng tôi: “Cướp chính quyền! Phải cướp chính quyền”. Ôi, đất nước mình nếu không cướp chính quyền, không giải phóng thì rồi cuộc sống đói nghèo, tối tăm, chết chóc sẽ còn dẫn tới đâu?”.

Nguyễn Thị Thập (1908 - 1996) sinh tại xã Long Hưng, H.Châu Thành, Tiền Giang. Bà là đại biểu Quốc hội từ khóa I - VI (Phó chủ tịch Quốc hội từ khóa II - VI), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (1956 - 1974) và là người phụ nữ đầu tiên được nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (1985).

Qua Ninh Bình, Nam Định... Xe mỗi giờ lại tiến gần Hà Nội. Không khí vùng dậy của quần chúng các địa phương dọc đường số 1 càng sôi nổi. Tin tức Hà Nam rồi Hà Nội đã nổi dậy giành chính quyền. Từng đoàn người kéo đi trên đường giành chính quyền ở các tỉnh lỵ, huyện lỵ rất đông. Xe của đoàn đại biểu Nam kỳ lao như bay về Hà Nội.

Tới Hà Nội! Thủ đô Hà Nội đã cướp chính quyền sáng 19.8.1945. Đại biểu các nơi về dự Hội nghị Tân Trào đã về hết. Chỉ còn mỗi đoàn đại biểu Xứ ủy Giải phóng ra muộn. Đoàn được bố trí ở lại Hà Nội. Hai đại biểu Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp cũng từ Tân Trào về Hà Nội. Đại diện hai xứ ủy hội ngộ cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương.

Những ngày lưu lại thủ đô cũng là lúc nhận được tin qua điện đài báo ra, Sài Gòn và nhiều tỉnh Nam bộ đã giành được chính quyền. Ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng...

Đoàn đại biểu Xứ ủy Giải phóng nôn nóng đòi về. Trung ương Đảng quyết định cho cả hai đoàn cùng về. Đoàn Xứ ủy Tiền phong đi riêng.

Ông Bùi Lâm ở lại Hà Nội nhận công tác. Đoàn Xứ ủy Giải phóng (ông Dưa, ông Lý Phú Xuân và bà Nguyễn Thị Thập) về lại Sài Gòn bằng chiếc ô tô của mình.

Lần trở về này còn có hai ông Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh là phái viên của Trung ương cùng vào để thống nhất Đảng bộ Nam kỳ. Ông Hoàng Quốc Việt phụ trách Tổng bộ Việt Minh được phân công nhiệm vụ làm trưởng đoàn. Bà Nguyễn Thị Thập kể:

“Hôm chúng tôi về là ngày 27.8.1945, đúng vào ngày lịch sử: anh Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời và anh Cù Huy Cận - Bộ trưởng vào Huế làm lễ thoái vị cho Bảo Đại. Đáng lẽ hai anh khởi hành từ 7 giờ 30, nhưng các anh còn bận một số việc chậm lại, nên xe của chúng tôi đi trước”.

Nam bộ - Những ngày cách mạng tháng tám

Phân chia Xứ ủy

Nỗ lực hợp nhất 2 xứ ủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.