Theo ông Somyot Poompunmuang: “FAT thực sự gặp tình trạng khó khăn về tài chính. Đại dịch Covid-19 khiến các giải đấu ở Thái Lan bị hoãn, các nhà tài trợ cũng chi trả rất ít tiền tài trợ, hoặc sắp tới sẽ ngừng tài trợ hẳn, còn tiền bản quyền truyền hình cũng bị cắt giảm rất đáng kể”…
Do đó, ông Somyot Poompunmuang nói thêm: “Để cứu bộ máy FAT vẫn hoạt động và chi phí cho các đội tuyển, việc đi vay tiền từ các tổ chức như LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), châu Á (AFC) hay cả LĐBĐ thế giới (FIFA) là dự tính rất thực tế của cơ quan bóng đá Thái Lan”.
Tuy nhiên, ý định này đang vấp phải nhiều chỉ trích từ báo chí Thái Lan, khi cho rằng FAT phải thấy hổ thẹn khi đi vay tiền để trang trải khó khăn.
Mặc dù vậy, trả lời tờ Bangkok Post mới đây sau đại hội của FAT, ông Somyot Poompunmuang nói: “Tôi không nghĩ việc đi vay tiền là điều đáng xấu hổ hay mất nhân phẩm. Nếu bạn có thể vay tiền được từ bạn bè, gia đình, ngân hàng hoặc các tổ chức khác, thì chứng tỏ bạn có uy tín và khả năng tín dụng để trả nợ. Chỉ khi bạn không thể vay được từ bất cứ ai thì mới đáng xấu hổ”.
Cũng theo ông Somyot Poompunmuang, FAT hiện có 3 lựa chọn để vay tiền. Một là tìm kiếm sự trợ giúp từ Bộ thể thao Thái Lan (SAT), kế đến xin FIFA giải ngân sớm quỹ hỗ trợ bóng đá Thái Lan ở năm tới và cuối cùng là đi vay tiền từ bạn bè hoặc từ gia đình của ông này.
|
Ngoài ra, ông Somyot Poompunmuang cũng tiết lộ Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan, ông Prawit Wongsuwon và cũng là chủ tịch Quỹ phát triển thể thao quốc gia, đang đề nghị chủ tịch SAT, Gongsak Yodmani giúp đỡ cho FAT.
Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như King Power Group - chủ sở hữu CLB Leicester City ở Ngoại hạng Anh - cũng đang có kế hoạch giúp đỡ tài chính cho FAT.
Hiện mùa giải của bóng đá Thái Lan hoãn từ tháng 3 với dự định thi đấu lại vào 5.9 tới.
FAT cũng sẽ bớt áp lực hơn khi mới đây AFC và FIFA đã hoãn luôn các trận vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á trong tháng 10 và 11 sang năm 2021, nên sẽ có điều kiện để kết thúc mùa giải của mình hiện nay.
Bình luận (0)