70% dân số thế giới được tiêm vắc xin trước 9.2022
Trưa 22.9, theo giờ New York (rạng sáng 23.9 giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì tổ chức nhân dịp Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 76.
Với chủ đề “Chấm dứt đại dịch Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn”, đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực phòng chống dịch trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới.
Hội nghị tập trung thảo luận và đưa ra các cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo cấp cao, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân về tiêm chủng vắc xin rộng rãi cho người dân trên thế giới, bảo vệ tính mạng con người và xây dựng lại an ninh y tế toàn cầu tốt hơn trong thời gian tới.
Đáng chú ý là các cam kết sẽ bảo đảm ít nhất 70% dân số thế giới ở tất cả các quốc gia thuộc các nhóm có thu nhập khác nhau được tiêm vắc xin đầy đủ trước Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9.2022.
Bên cạnh đó, bảo đảm tất cả các quốc gia thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình thấp có thể tiếp cận đầy đủ ôxy, đồ bảo hộ cá nhân và phương pháp điều trị hiệu quả trong năm 2021 và phương pháp điều trị tiên tiến trong năm 2022 để bảo vệ tính mạng cho người dân.
Đồng thời, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho an ninh y tế thông qua việc thiết lập một quỹ tài chính với mức khởi đầu mong muốn khoảng 10 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021 và thành lập một hội đồng về các hiểm họa sức khoẻ toàn cầu
Xoá bỏ rào cản cung ứng vắc xin
Phát biểu tại hội nghị quan trọng này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong ứng phó dịch bệnh, bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của người dân phải là ưu tiên hàng đầu.
Để làm được điều đó, cần hành động quyết liệt để phát hiện sớm, truy vết nhanh, cách ly kịp thời và điều trị hiệu quả, tăng cường năng lực xét nghiệm, bảo đảm ô xy, máy thở và thuốc điều trị, đặc biệt là nhanh chóng tiêm vắc xin trên diện rộng.
Chủ tịch nước nhấn mạnh muốn vậy cần tăng cường hợp tác toàn cầu, đầu tư nâng cao khả năng tự cường của hệ thống y tế và phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, nhất là ở các nước đang phát triển.
|
Chủ tịch nước hoan nghênh việc hội nghị lần này quyết định thành lập Quỹ tài chính an ninh y tế toàn cầu, góp phần bảo đảm nguồn lực cho những nỗ lực phòng chống đại dịch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, mở rộng tiêm vắc xin song song với sử dụng thuốc điều trị hiệu quả có ý nghĩa then chốt để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng người dân và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.
Ông đề xuất cần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản xuất vắc xin, trong đó có việc tạo ra những trung tâm và mạng lưới sản xuất vắc xin ở các khu vực thông qua việc tăng cường hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, xoá bỏ rào cản liên quan đến cung ứng vắc xin.
Ông khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực này.
Đẩy mạnh cung ứng vắc xin cho các nước đang phát triển
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đánh giá cao vai trò của Chương trình COVAX, cảm ơn nhiều nước đã chia sẻ, hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam.
Chủ tịch nước kêu gọi COVAX và các nước có năng lực đẩy mạnh nỗ lực cung ứng vắc xin cho các nước đang phát triển, để ít nhất 70% dân số các nước này được tiêm chủng sớm nhất có thể và hy vọng đạt được mục tiêu này trước kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm sau.
Người đứng đầu nhà nước cũng thông báo Việt Nam đang triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 cho mọi người dân trên 18 tuổi. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã thành lập Quỹ Ứng phó Covid-19 vào năm 2020 và mới đây đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ này để mua vắc xin cho các nước thành viên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nhiều nhà lãnh đạo khác đều nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có cam kết và quyết tâm mạnh mẽ và cấp bách để tiêm vắc xin rộng rãi cho mọi người dân trên toàn thế giới, bảo vệ tính mạng và cuộc sống của người dân, tăng nguồn lực để xây dựng lại tốt hơn.
Bình luận (0)