Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 vào 29.5

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/05/2019 16:39 GMT+7

Theo chương trình dự kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể tại kỳ họp 7.

Theo chương trình dự kiến kỳ họp thứ 7 do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình tại phiên họp 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua, 9.5, thì vào chiều 29.5 tới, Quốc hội sẽ nghe Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Tiếp đó, Quốc hội cũng sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo thuyết minh và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của ILO là một nội dung mà nhiều ý kiến đề nghị tiến hành tại kỳ họp thứ 7 này chứ không để lùi sang kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 như đề xuất trước đó.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10.5, cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO, sau khi nghe Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình ra Quốc hội như chương trình dự kiến.

Cũng theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về nội dung này vào chiều 1.6, thảo luận tại hội trường vào 7.6 và sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước 98 vào ngày bế mạc kỳ họp, 14.6.

Người lao động hưởng lợi

Theo Tờ trình do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký vào ngày 12.4 về việc gia nhập Công ước 98 do Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, 10.5, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang được tích cực chuẩn bị thì việc gia nhập Công ước số 98 và các công ước còn lại của ILO là hết sức cần thiết.
Theo ông Trung, Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản. Thứ nhất là bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động. Thứ 2, bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động. Thứ 3, những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể, tự nguyện, thiện chí.
“Công ước xác lập nguyên tắc tự nguyện, thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện, thiện chí”, ông Trung nêu.
Cũng theo tờ trình do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký, đối tượng hưởng lợi chủ yếu của Công ước số 98 là người lao động vì người lao động sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả.
Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật Việt Nam chưa phù hợp với công ước, cụ thể là bộ luật Lao động năm 2012 và 2 nghị định của Chính phủ cần được sửa đổi bổ sung nếu Việt Nam gia nhập công ước này.
Thuyết minh sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cũng khẳng định, việc Việt Nam gia nhập và thi hành Công ước số 98 sẽ không làm tăng chi phí xã hội và chi phí triển khai thực hiện.
Báo cáo thẩm tra sau đó của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình ra Quốc hội việc gia nhập Công ước số 98 của ILO tại kỳ họp thứ 7 khai mạc vào ngày 20.5.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.