Chiều 12.10, Đoàn ĐBQH TP.HCM giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo nghị quyết 30/2021 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố. Trong bài phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM về những tổn thất, mất mát, đau thương trong đại dịch thời gian qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng dự buổi giám sát của Đoàn ĐBQH TP.HCM về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố |
TTBC TP.HCM |
Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, huy động nhiều nguồn lực, tập trung chỉ đạo phòng chống dịch, đến nay TP.HCM đã qua đỉnh dịch, vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong sứ mệnh bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo và nhân dân thành phố, lực lượng tuyến đầu, lực lượng thiện nguyện, đồng bào cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, tôn giáo đã chung sức đồng lòng, hỗ trợ an sinh xã hội.
Bản tin Covid-19 ngày 12.10: Cả nước cấp tập tiêm hàng chục triệu liều vắc xin |
Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro
“Tôi đánh giá cao tinh thần chỉ đạo, lãnh đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng hệ thống chính trị thành phố đã năng động, sáng tạo đưa ra nhiều biện pháp trong điều kiện biến thể Delta lây lan nhanh để đưa thành phố trở về hoạt động bình thường mới”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước đánh giá cao tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong công tác phòng chống dịch tại thành phố |
Ngọc dương |
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã tổ chức chương trình Dân hỏi – Thành phố trả lời đã giải đáp được nhiều tâm tư của người dân. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kéo dài nhưng TP.HCM đã luôn giữ vững được an ninh trật tự, an sinh xã hội được đảm bảo, huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp lớn cả trong nước và nước ngoài.
Chủ tịch nước biểu dương tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp đã đồng tâm hiệp lực trong phòng chống dịch; sáng tạo trong quản lý, vận dụng các quy định phù hợp với điều kiện từng địa bàn.
Đồng tình với điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch từ Zero Covid-19 sang thích ứng an toàn với Covid-19, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần nhất quán về chiến lược này với cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Để sống chung với môi trường có dịch Covid-19 thì phải có phương thức phù hợp; trước hết là vắc xin, 5K, đặc biệt khẩu trang khử khuẩn.
TP.HCM cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để đánh giá, giám sát, giảm thiểu tác động rủi ro; nếu không giám sát chặt chẽ thì sẽ “mở cửa lại đóng cửa” như một số nước.
Ngày 12.10: Cả nước 2.949 ca Covid-19, 1.347 ca khỏi | TP.HCM 1.018 ca |
Giữ chân lao động là nhiệm vụ quan trọng
Tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi mở 5 nhiệm vụ để TP.HCM phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và khôi phục kinh tế. Trong đó, đảm bảo huyết mạch nền kinh tế, lưu thông hàng hóa, di chuyển con người dịch vụ tài chính tín dụng, tính thanh khoản của doanh nghiệp.
Chủ tịch nước nhắc lại khái niệm pháo đài chống dịch không phải là ngăn sông cấm chợ, gây khó khăn cho lưu thông và đề nghị các địa phương hiểu rõ vấn đề này để việc đi lại được thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Nhiều người lao động ở TP.HCM đã về quê trong thời gian qua và nhiều người đang có nhu cầu quay trở lại thành phố |
Hoàng giáp |
TP.HCM tiếp tục đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai nhanh gói hỗ trợ thuế, tín dụng, thu hút đầu tư, đẩy nhanh đầu tư công tạo sự lan tỏa. Cỗ xe tam mã của thành phố là xuất khẩu, thị trường nội địa, thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài…
Nhấn mạnh đến bài toán lao động và việc làm, Chủ tịch nước cho biết khi không thực hiện Chỉ thị 16 nữa thì việc đi lại của người dân được tự do nên không có lý do gì mà các địa phương gây khó khăn. Dù vậy, TP.HCM phải tạo mọi điều kiện đưa người lao động trở lại.
“Tôi tin rằng khi bà con về thăm quê hương, trong 100 người sẽ có khoảng 30 người ở lại quê nhưng 70 người sẽ quay lại thành phố. Chúng ta tạo mọi điều kiện. Ví dụ như bà con về quê, đến hẹn tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 thì hãy đến thành phố, TP.HCM sẵn sàng tiêm mũi 2 cho bà con. Đồng thời là những điều kiện về nhà ở, phúc lợi, gói an sinh”, Chủ tịch nước gợi mở.
Về phía TP.HCM cần chủ động phối hợp với chính quyền các tỉnh trong vùng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, nhanh chóng đưa đón người lao động trở lại làm việc, đồng thời đào tạo và đào tạo lại lao động.
Ngoài ra, TP.HCM cũng cũng tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ về sức khỏe, thế chất và tinh thần người dân, huy động các nguồn lực để chăm lo. Đồng thời, tập trung tìm ra những động lực tăng trưởng mới, tháo gỡ thể chế pháp luật, tái cấu trúc đô thị; tổ chức lại ngành y tế từ cấp thành phố đến cơ sở; đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật số; đẩy mạnh liên kết, hợp tác vùng với vị thế là “anh hai Nam bộ”.
Dịch đã qua nhưng nỗi lo lắng còn hiện rõ
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho hay TP.HCM vừa trải qua ngày tháng hết sức khốc liệt chưa từng có do đại dịch Covid-19 từ biến chủng Delta. Hiện tại, dù ca nhiễm đã giảm nhưng nỗi lo lắng, ám ảnh còn rõ.
“Nhưng trong đại dịch, một lần nữa thấy rõ tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, kiên cường chịu đựng, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng để vượt qua khó khăn của đồng bào, doanh nghiệp”, ông Nên nói và bày tỏ cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, động viên của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành, đặc biệt từ hệ thống y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên.
TP.HCM đang xây dựng kế hoạch xây dựng 1 triệu nhà ở dành cho công nhân |
phạm thu ngân |
Tiếp thu các ý kiến, đóng góp tại buổi giám sát, ông Nên chia sẻ các đại biểu đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đưa ra nhiều biện pháp phòng chống dịch cần rút kinh nghiệm và làm rõ biện pháp bảo vệ, ít thiệt hại nhất. Đây là những hiến kế quan trọng để thành phố tổng kết toàn diện sâu sắc, chuẩn bị cho giai đoạn mới.
“Hiện nay, TP đã chuẩn bị rất nhiều chiến lược về khôi phục kinh tế; chiến lược về xã hội có dân cư và nhà ở xã hội. TP.HCM bây giờ không còn là 10 triệu người mà có thể 14 triệu người, vì lý do nào đó mà nhiều người dân đến TP ở nhưng chưa đăng ký tạm trú. Vì vậy, TP.HCM phải trở thành đô thị như thế nào đó để người dân an tâm trở lại, làm ăn sinh sống”, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho hay.
Kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách
Cũng tại buổi giám sát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở; điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở; mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế.
TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2022 – 2025 để góp phần tạo nguồn lực phát triển và chủ động giải quyết được những khó khăn, thách thức hiện nay cũng như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của thành phố và tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị 16.
Bình luận (0)