Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với TAND tối cao

14/06/2024 17:10 GMT+7

Làm việc với TAND tối cao, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng thẩm phán nể nang, ngại va chạm khi giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

Ngày 14.6, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm, làm việc với TAND tối cao. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến tới gần 800 điểm cầu thành phần trong toàn hệ thống TAND.

Tham dự buổi làm việc có Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; các lãnh đạo, thành viên hội đồng thẩm phán, thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND tối cao; lãnh đạo, cán bộ chủ chốt TAND các cấp.

Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với TAND tối cao- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với hệ thống TAND

CÔNG LÝ

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó chánh án thường trực TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, trong những năm qua, số lượng các loại vụ, việc tòa án phải giải quyết bình quân tăng khoảng 8%/năm với tính chất đa dạng, phức tạp.

Với việc không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ, việc tiếp tục được đảm bảo và có nhiều tiến bộ.

Việc tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.

Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; các vụ án dư luận xã hội quan tâm, TAND tối cao đã tập trung chỉ đạo các tòa án tổ chức xét xử nghiêm minh, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đã xử lý nghiêm một số vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.

Cạnh đó, ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao chất lượng công tác, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, chuyên nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận và đánh giá cao những kết quả công tác đạt được của hệ thống TAND.

Chủ tịch nước yêu cầu hệ thống TAND tập trung nâng cao chất lượng xét xử, không làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; hạn chế, tiến tới mức thấp nhất các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan; nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của những phán quyết, nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản của các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ tư pháp, nhất là đội ngũ thẩm phán thực sự trong sạch, thanh liêm, chính trực, đặt lợi ích chung của đất nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân lên trước hết.

Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng phương án đối với thực hiện nhiệm vụ của tòa án trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Chủ động lộ trình, bước đi thực hiện công tác xét xử trong thời đại 5.0 với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các vấn đề về chứng cứ điện tử, tội phạm hoạt động trên không gian mạng, tội phạm ảo.

Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với TAND tối cao- Ảnh 2.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc

CÔNG LÝ

Công khai, minh bạch trong hoạt động tòa án, không để xảy ra tham nhũng

Chủ tịch nước cũng yêu cầu tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025, nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số, góp phần cung cấp cho nhân dân các dịch vụ tư pháp tiện ích; công khai, minh bạch trong hoạt động tòa án, không để xảy ra tham nhũng.

Tập trung giải quyết các vụ án đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chú trọng thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại; khắc phục triệt để tình trạng thẩm phán nể nang, ngại va chạm khi giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

Chủ tịch nước cũng lưu ý việc tăng cường xây dựng thể chế, bảo đảm áp dụng thống nhất trong xét xử; chủ động nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện dự thảo các văn bản pháp luật được giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, không để bị tác động, chi phối hoặc lồng ghép lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành các nghị quyết của hội đồng thẩm phán, thông tư hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, tăng cường phát triển án lệ, giải đáp kịp thời các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.