Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững
Thưa Ngài Tiêu Chí Hiền, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore,
Thưa Ngài Goh Chok Tong, Bộ trưởng Cao cấp nước Cộng hòa Singapore,
Thưa các vị Bộ trưởng, các Ngài Đại sứ,
Thưa Giáo sư Vương Canh Vũ,
Thưa quý vị và các bạn!
Hôm nay, tôi rất vui mừng được gặp gỡ và trao đổi với quý vị, các nhà lãnh đạo, chính trị gia, thành viên nội các, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả tại Singapore Lecture - diễn đàn uy tín hàng đầu của Quốc đảo Sư tử - đất nước với sự đi lên thần kỳ của bàn tay và khối óc. Sự có mặt của quý vị thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới quan hệ Việt Nam - Singapore, cũng như mong muốn cùng chia sẻ, chung sức hành động vì một Đông Nam Á ổn định, hợp tác và phát triển; một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển mình với nhiều cơ hội và thách thức, hướng tới những điều tốt đẹp.
Tôi chân thành cảm ơn Tổng thống Tony Tan, Thủ tướng Lý Hiển Long, Phó Thủ tướng Tiêu Chí Hiền, Chính phủ Singapore và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã dành cho tôi và Đoàn đại biểu Việt Nam sự đón tiếp chu đáo và những tình cảm nồng ấm.
Thưa quý vị và các bạn!
Nhân loại đã bước sang nửa cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21 và chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc, toàn diện. Cộng đồng quốc tế vui mừng khi nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) cơ bản được thực hiện; nhân loại vững tin hơn khi các quốc gia cùng thống nhất những định hướng phát triển chung trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững (SDGs); hy vọng tương lai của thế giới tươi sáng hơn khi gần 200 nước cùng cam kết thực hiện Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)... Hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển ngày càng trở thành nhu cầu tất yếu của các quốc gia và là xu thế lớn trên thế giới. Đây chính là cơ hội, nền tảng rất cơ bản để chúng ta cùng chung sức xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, cùng hợp tác và phát triển bền vững vì lợi ích và thịnh vượng của toàn nhân loại.
Bên cạnh thời cơ và thuận lợi, thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt; trong đó, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với quy mô, tần suất, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... có mức độ tàn phá rất lớn về con người, của cải hơn bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào và không một quốc gia đơn lẻ nào đủ sức giải quyết triệt để. Tính chất nghiêm trọng của các thách thức này rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp, vẫn còn tồn tại.
|
Cùng với những biến động này, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Quá trình quốc tế hóa sản xuất và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu làm thay đổi phương thức sản xuất, quan hệ lao động và cuộc sống của mỗi người. Đây là xu thế khách quan, đồng thời là nhu cầu chủ quan, không thể đảo ngược. Điều chúng ta có thể làm là cùng nhau chung sức để biến xu thế này thành cơ hội hợp tác, phát triển bền vững và phồn vinh.
Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - chiến lược, kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Biển Đông nằm trong lòng khu vực Đông Nam Á, đem lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho các quốc gia trong khu vực mà còn là tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới. Cả khu vực đang nỗ lực vươn lên, thúc đẩy các sáng kiến liên kết, hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Tuy nhiên, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông, đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực. Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua.
|
Thưa quý vị và các bạn!
Trong bối cảnh đó, ước vọng về hòa bình, an ninh và phát triển bền vững đối với khu vực càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Nhưng ước vọng vẫn mãi là ước vọng nếu ta không hành động; cơ hội sẽ trở thành nuối tiếc nếu ta không nắm bắt; triển vọng sẽ chỉ là thất vọng nếu ta thiếu quyết tâm. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng nói: “Bạn không thể chỉ đưa ra những lời hứa hẹn mà bạn phải thực hiện những điều bạn nói”. Con đường duy nhất để biến ước vọng thành hiện thực là tất cả quốc gia đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.
Đó chính là mục tiêu của ASEAN. Nhiều năm qua, với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng của mình, ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và khu vực, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh... Đến nay, ASEAN đã rất thành công trong việc thu hút sự can dự chiến lược của các nước lớn vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới. Một cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc với vai trò trung tâm của ASEAN là phù hợp và đáp ứng lợi ích của tất cả các bên.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, vững vàng trước những khó khăn, thách thức, ASEAN cần đẩy mạnh thực hiện bốn nội dung then chốt gọi tắt là CIROP: (i) Tăng cường gắn kết (Coherence) về chính trị, tập trung thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung; (ii) Đẩy mạnh liên kết (Integration) về kinh tế, văn hóa - xã hội, khai thác thế mạnh kinh tế, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, tạo nên sức mạnh của Cộng đồng; (iii) Đề cao trách nhiệm, ý thức cùng chung vận mệnh (Responsibility), trong đó coi trọng thực hiện các nguyên tắc nền tảng của ASEAN, lấy đoàn kết và đồng thuận là giá trị đặc trưng mà các quốc gia thành viên cần tôn trọng, giữ gìn; (iv) Cùng hướng tới người dân (of People), hình thành các cơ chế để người dân các nước ASEAN tham gia vào quá trình hoạch định, giám sát và thực thi chính sách, lấy phục vụ người dân là mục tiêu tối thượng trong việc xây dựng và phát triển Cộng đồng.
|
Thưa quý vị và các bạn!
Trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Với sự hợp tác và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, với ý chí và tinh thần tự lực, tự cường, nhân dân Việt Nam đã vươn lên từ áp bức, đứng lên từ đổ nát và đi lên từ nghèo nàn, lạc hậu. Lịch sử cho thấy, đoàn kết, trong đó có đoàn kết quốc tế là “truyền thống quý báu và bài học lớn” của dân tộc Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm đó ảnh hưởng sâu sắc đến đường lối, chính sách đối ngoại và hành động của Việt Nam.
Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước chúng tôi đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế có bước phát triển nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển... Trong tình hình đó, chúng tôi tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với đối tác lớn, đối tác quan trọng, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.
Trong vấn đề Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, yêu cầu các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện DOC và đàm phán thực chất COC.
Thưa quý vị và các bạn!
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ mới, kỷ nguyên của kết nối internet vạn vật (internet of things), vật liệu mới, tự động hóa và trong tương lai gần là trí tuệ nhân tạo. Đây có thể là thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam; nhưng đây không phải là cuộc chơi được - mất (zero-sum game) mà là cơ hội chia sẻ, hợp tác, phát triển. Hơn ai hết, Singapore, đất nước khởi nguồn của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiểu rất rõ giá trị của việc chung sức, đồng lòng nắm bắt cơ hội này.
|
Tôi đã nhiều lần thăm Singapore, nhưng đây là lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang thăm chính thức đất nước xinh đẹp, giàu lòng mến khách, đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 3 năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore (11.9.2013 – 11.9.2016). Mỗi lần sang thăm, Singapore đều để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc về việc phát triển kinh tế tri thức với nguồn nhân lực chất lượng cao; về sự năng động, sáng tạo, cần cù, yêu lao động, kỷ cương, kỷ luật, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân; về ý thức bảo vệ thiên nhiên, cũng như sự thống nhất trong đa dạng của đất nước các bạn.
Sự phát triển rất đáng khâm phục của Singapore qua 51 năm từ ngày lập nước đến nay là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Chúng tôi đánh giá cao và quan tâm học hỏi kinh nghiệm thành công của Singapore trong việc hoạch định và thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo, coi trọng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Hôm qua, tôi đã có cuộc hội đàm, hội kiến thành công với Ngài Tổng thống Tony Tan và ngài Thủ tướng Lý Hiển Long. Chúng tôi vui mừng nhận thấy, hơn 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1.8.1973) đến nay, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Singapore ngày càng được củng cố, phát triển, đi vào chiều sâu với nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả, thiết thực trên các lĩnh vực. Singapore là một trong ba quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, những khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã trở thành biểu tượng thành công của sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước. Hàng chục nghìn cán bộ, học sinh, sinh viên Việt Nam được đào tạo ở Singapore đã và đang hằng ngày đóng góp vào sự phát triển của đất nước chúng tôi cũng như quan hệ hữu nghị Việt Nam - Singapore... Việt Nam luôn coi thành công của Singapore, của các doanh nghiệp Singapore là cơ hội để tăng cường hợp tác, cùng phát triển nhanh và bền vững hơn.
Trong các vấn đề khu vực và quốc tế, Việt Nam và Singapore cùng có lợi ích rất căn bản trong việc xây dựng ASEAN vững mạnh và hệ thống đối tác tin cậy, duy trì một trật tự quốc tế hòa bình, ổn định, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam mong muốn cùng Singapore thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước trên các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, hợp tác trên biển, trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Mục tiêu của quan hệ đối tác chiến lược hai nước chúng ta không gì khác là Singapore thịnh vượng, Việt Nam phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phồn thịnh, hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nhân dịp này, tôi chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Singapore, đặc biệt là Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, đã dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả trong thời gian qua.
|
Thưa quý vị và các bạn!
Tôi mong rằng qua buổi trao đổi hôm nay, chúng ta cùng hiểu rõ hơn về các vấn đề khu vực và quốc tế liên quan tới chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Singapore để từ đó có thêm những hoạt động hợp tác cụ thể, cùng chung sức vì lợi ích chung.
Một lần nữa, tôi trân trọng cảm ơn quý vị và các bạn đã đến dự cuộc gặp gỡ, trao đổi ngày hôm nay. Chúc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ngày càng phát triển, có nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, an ninh và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Chúc quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
Bình luận (0)