Tại đại hội, luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nhấn mạnh rằng sáng kiến quản lý thành phố cần được phát triển thành một mô hình quản trị và phát triển đô thị toàn diện. Tuy nhiên, các đề án quan trọng như Vành đai 4, đường sắt đô thị và việc xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính vẫn chưa được thảo luận một cách toàn diện.
Bà Hòa cũng lưu ý rằng tài chính khu vực và tài chính địa phương có vai trò chiến lược, mang lại lợi ích lâu dài không chỉ cho thành phố mà còn cho cả nước. Về các dự án lớn như đường sắt hay Vành đai 4, bà nhận xét rằng mặc dù UBND TP.HCM nhắc đến nguồn vốn, nhưng vẫn chưa có sự rõ ràng về mặt chuyên môn, nền tảng để thực hiện. Bà đặt câu hỏi liệu các dự án này sẽ do Việt Nam thực hiện hoàn toàn hay cần có sự hợp tác với quốc tế.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết câu chuyện quản trị và phát triển thành phố không chỉ là câu chuyện thời đại mà đã xuất hiện từ 20 năm trước, được các cấp lãnh đạo đề cập từ lâu.
"Thành phố đang nghiên cứu Nghị quyết 131 của Quốc hội về chính quyền đô thị thành phố nhưng đây cũng chỉ giải quyết một phần nhỏ trong khái niệm mô hình quản trị và phát triển thành phố. Năm 2025 là năm thứ 5 thành phố thực hiện nghị quyết này và đang tập trung để tổng kết việc thực hiện một cách kỹ lưỡng. Từ đó, thành phố có thể đề nghị một nghị quyết mới rộng hơn, đủ bao chứa và cũng là tiền đề để chúng ta đề nghị có luật Đô thị đặc biệt TP.HCM. Điều này cần thể chế đủ rộng, đủ mạnh trong khi mặt bằng chung vẫn còn nhiều cản trở", ông Mãi cho biết.
Về đề xuất diễn đàn nhân dân, sáng kiến quản trị và phát triển thành phố, ông Mãi đề nghị xin ý kiến của Thường trực MTTQ Việt Nam TP.HCM sớm thống nhất để triển khai. Ông Mãi rất mong muốn được triển khai diễn đàn đầu tiên trong quý 4 năm 2024.
TS Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học đại học, Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội phát triển TP.HCM và đề nghị Chủ tịch Phan Văn Mãi phân tích các nội dung cần đặt hàng, ví dụ như lĩnh vực khoa học công nghệ, cơ chế chính sách... để Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM có thể phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, các chuyên gia cũng như đội ngũ trí thức trong và ngoài nước.
Về nội dung này, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, trong thời gian qua, thành phố đã có tổ chức giám sát xem công nghệ đóng góp cho phát triển như thế nào nhưng làm cũng chưa được tốt và cũng chưa khơi hết sức sự đóng góp của công nghệ cho sự phát triển thành phố.
Theo ông Mãi, TP.HCM là nơi tập trung những điều kiện thuận lợi nhất về khoa học công nghệ, việc vận dụng khoa học công nghệ cũng ở mức cao nhưng chưa đúng với tiềm năng và yêu cầu.
"Và cơ chế của Nghị quyết 98 vừa qua đã cho chúng ta một số điểm mới về cơ chế chính sách cho cán bộ khoa học công nghệ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học... Tháng 12 này, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM về cơ chế miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tôi nghĩ đây sẽ là đóng góp rất lớn cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đóng góp cho kinh tế, xã hội thành phố", ông Mãi thông tin.
Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ, Nghị quyết 98 kết hợp với việc đang có những đề nghị sửa đổi về luật Sở hữu trí tuệ, luật Khoa học công nghệ, từ đó TP.HCM sẽ có cơ chế cởi mở, linh hoạt hơn thúc đẩy cho sự phát triển.
Cũng tại đại hội, ông Mãi cho biết, về đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đến năm 2035, TP.HCM phải hoàn thành 183 km với số vốn dự kiến 36 tỉ USD.
Dựa vào cơ chế được cho phép, theo ông Mãi, TP.HCM sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và mong muốn người dân mua trái phiếu để cùng thành phố triển khai dự án.
“Bà con gửi tiền ngân hàng có thể lãi suất cao hơn, nhưng mua trái phiếu để cùng đóng góp xây dựng TP.HCM. Thành phố sẽ tính toán hiệu quả bằng việc khai thác quỹ đất cộng với các tác động của kinh phí xã hội rất tốt về sau để trả lại lợi ích cho người dân", ông Mãi nói.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Sau năm 2030, TP.HCM hướng đến xây dựng đô thị đa trung tâm với khu vực lõi là trung tâm TP.HCM và 4 đô thị ở hướng đông - tây - nam - bắc cùng với đô thị biển Cần Giờ.
Bình luận (0)