Sáng 26.9, Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT thông tin có 12 địa phương, đơn vị giải ngân trên 70% gồm: Quảng Ngãi, Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn H.Nhà Bè, TP.HCM |
ngọc dương |
Dù vậy, có đến 51 đơn vị giải ngân thấp hơn bình quân cả nước, trong đó có 14 bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 20% (bao gồm Hà Nội và TP.HCM). Ông Phương đề nghị các đơn vị giải ngân thuộc nhóm thấp nhất cả nước nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể và thực hiện quyết liệt các giải pháp để tăng giải ngân vốn đầu tư công.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói thêm, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương được giao vốn lớn, tổng vốn được giao năm 2022 hơn 100.000 tỉ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân đều dưới 20% nên cần tập trung, quyết liệt hơn.
Kiến nghị sớm lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho TP.HCM
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết năm 2022, Quốc hội và Thủ tướng giao vốn gần 52.000 tỉ đồng, sau này giao thêm và tăng lên 54.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, TP.HCM là địa phương cân đối ngân sách, với tỷ lệ điều tiết 21%, ông Mãi cho hay thành phố phải đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại mới chi đầu tư phát triển.
Năm 2022, HĐND TP.HCM cân đối nguồn thu, chỉ đảm bảo chi được 42.508 tỉ đồng. Trong số này, có 4.478 tỉ đồng là khoản bội chi ngân sách từ nguồn vay nước ngoài nhưng nhiệm vụ chi chưa rõ nên ông Mãi kiến nghị điều chỉnh giảm thêm khoản này, khi đó TP.HCM chỉ còn chi 37.997 tỉ đồng, và là con số thống nhất để tính tỷ lệ giải ngân. Như vậy, so với tổng vốn được Thủ tướng giao ban đầu, nguồn vốn đầu tư công mới của TP.HCM giảm khoảng 16.000 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tình hình giải ngân đầu tư công trên địa bàn |
sỹ đông |
Theo số liệu cập nhật đến ngày 23.9, TP.HCM chỉ giải ngân được 10.877 tỉ đồng, tính trên 37.997 tỉ đồng, dưới 20%. Trong đó, ngân sách Trung ương chỉ giải ngân 91 tỉ đồng, đạt 3,6%; có 2 dự án vốn vay nước ngoài là vệ sinh môi trường giai đoạn 2 và giao thông xanh dự kiến không sử dụng hết vốn giao kế hoạch năm khoảng 600 tỉ đồng.
Về nguyên nhân, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đánh giá giải phóng mặt bằng là vấn đề khó, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân. Những tháng gần đây, TP.HCM tập trung nhiều giải pháp quyết liệt, nhiều dự án giao thông tồn tại cả chục năm đã được khởi động trở lại. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng lập tổ công tác về giải phóng mặt bằng để tháo gỡ khó khăn cho các địa bàn có khối lượng lớn và phức tạp như TP.Thủ Đức. Dự kiến đến tháng 10.2022 sẽ cơ bản tháo gỡ được giải phóng mặt bằng trên 90% triển khai các dự án.
Ngoài ra, còn 2 nguyên nhân khác là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy… khiến nhà thầu thi công cầm chừng; và thủ tục đầu tư các dự án ODA cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí vốn, ký kết hiệp định vay mất nhiều thời gian.
Nêu giải pháp tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã thành lập các tổ công tác chuyên đề (dự án vốn lớn, ODA, giải phóng mặt bằng), rà soát từng dự án, làm việc với từng chủ đầu tư lên kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm. Nhiều dự án khả năng đến cuối tháng 11, tháng 12 năm nay giải ngân đạt kế hoạch.
Bên cạnh kiến nghị thống nhất số liệu tổng kế hoạch năm 2022 là 37.997 tỉ đồng, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng sớm quyết định thành lập tổ công tác đôn đốc, giải quyết khó khăn cho TP.HCM như tinh thần chỉ đạo tại buổi làm việc cuối tháng 7.2022 để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư công và các nhiệm vụ khác.
Bình luận (0)