Chiều 15.3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, tại khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM) diễn ra các phiên thảo luận mở đầu cho Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024. Tại phiên thảo luận toàn thể, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh Hội Báo toàn quốc 2024 không chỉ có ý nghĩa đối với những người làm báo mà còn đối với kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Đặt hàng báo chí tháo gỡ các điểm nghẽn
"Tôi xin được chào đón các lãnh đạo, quý đại biểu, đặc biệt là các lãnh đạo cơ quan báo chí, anh chị em báo chí đến với TP.HCM để dịp này hiểu hơn về thành phố. TP.HCM cảm ơn Trung ương, các địa phương, báo chí suốt thời gian đã luôn quan tâm, ủng hộ thành phố. Tôi tin rằng Hội Báo toàn quốc 2024 sẽ đạt nhiều thành công nhất", ông Phan Văn Mãi nói.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM luôn ghi nhận và đánh giá rất cao sự đóng góp của báo chí trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình xây dựng và phát triển TP.HCM luôn nhận được sự đồng hành, góp ý của các cơ quan báo chí. TP.HCM không phân biệt báo Trung ương hay báo của thành phố, thay vào đó, luôn xem lực lượng báo chí là thống nhất, cơ hữu và là thành phần quan trọng trong sự phát triển của thành phố.
Ông Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM là đầu tàu kinh tế của đất nước và là địa phương hội nhập nhất nước. Thời gian qua, TP.HCM nhận được sự quan tâm của Trung ương và các địa phương. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía nam gặp nhiều khó khăn, nhất là ở 3 điểm nghẽn chiến lược: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Với độ mở gần như song song với thế giới, TP.HCM bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay tức khắc bởi các biến cố trong kinh tế, điển hình là dịch Covid-19 vừa qua. Cùng với đó, TP.HCM gặp nhiều hạn chế nội tại như kết cấu đô thị, tập trung dân số, bất cập bố trí dân cư... Những điều này đang cản trở sự phát triển TP.HCM khi thực hiện vai trò của mình.
"Tôi mong các lãnh đạo, các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm hơn nữa, nhìn rõ hơn điểm nghẽn chiến lược, có định hướng và giải pháp trong hành trình đi sắp tới", ông Phan Văn Mãi nói.
Ngày hội lớn nhất dành cho người làm báo chính thức khai mạc
Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, TP.HCM đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, thách thức thông qua 51 chương trình, đề án. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực nhưng với tác động bên ngoài, điển hình là ảnh hưởng Covid-19 và năng lực chống chịu, hạn chế nội tại khiến TP.HCM không đạt được mục tiêu như mong muốn.
Do đó, ông Phan Văn Mãi mong muốn báo chí sẽ quan tâm, góp ý, khuyến nghị cho chính quyền TP.HCM trong hoạch định chiến lược phát triển, giải quyết các bài toán phát triển.
Ông Phan Văn Mãi nói TP.HCM được biết đến như một địa phương năng động, sáng tạo, luôn suy nghĩ, tìm tòi cách làm mới, những cách làm có thể chưa từng có trong quy định pháp luật, mà có lúc gọi là "xé rào", "vượt rào".
Tuy nhiên, năng động, đổi mới, sáng tạo như thế nào trong bối cảnh hiện nay là vấn đề mà TP.HCM rất mong được các cơ quan báo chí phân tích, gợi ý thêm. Để qua đó, khơi gợi được động lực phát triển nhưng cũng đảm bảo tuân thủ quy định, hoặc những vấn đề thực tiễn đó sẽ được tổng kết, pháp lý hóa.
Song song đó, tiến tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), lãnh đạo UBND TP.HCM cũng mong báo chí tham gia vào sự kiện kỷ niệm này, không chỉ ở góc độ tuyên truyền mà bằng nhiều hoạt động khác, cụ thể.
Báo chí phải đổi mới
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Ông Hùng cho rằng hiện nay không gian mạng là trận địa chính, nguồn thu chính của báo chí, do vậy cần phải tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng.
Cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những khó khăn và vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí, như một số người nghĩ như vậy, mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng báo chí muốn phát triển thì cần không gian số, cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời Bộ trưởng TT-TT cho biết đổi mới không phải là một việc quá khó, chẳng hạn: "Thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức...".
Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 là là nơi để lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo, các chuyên gia truyền thông... trao đổi, chia sẻ về những vấn đề nghiệp vụ, từ đó cùng kiến tạo, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả hơn, thích ứng tốt hơn với các xu thế công nghệ truyền thông mới. Chiều 15.3, chương trình có 1 phiên thảo luận toàn thể và 3 phiên thảo luận với các chủ đề: nâng CAO TÍNH ĐẢNG, TÍNH ĐỊNH HƯỚNG TRONG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ; XâY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA BÁO CHÍ; BÁO CHÍ DỮ LIỆU VÀ CHIẾN LƯỢC NỘI DUNG VƯỢT TRỘI.
Bình luận (0)