Sáng 28.6, tại Q.4 (TP.HCM) diễn ra buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội khóa XV và trước kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM. Tham dự có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Xuân Hiển, Hội luật gia Q.4, đề cập Nghị quyết 54 trước đây còn chậm do cơ chế đặc thù chưa ngang tầm với sự phát triển của TP.HCM. Với nghị quyết mới, để đạt được kết quả tích cực và mang lại nhiều giá trị, ông Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND cần chuẩn bị sớm để triển khai những quy định và cơ chế đặc thù mang tính tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, giải quyết điểm nghẽn, phát huy tiềm năng.
"Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng lợi dụng cơ chế mới, chính sách đặc thù để tạo ra sai phạm", cử tri Nguyễn Xuân Hiển nói.
Còn cử tri Nguyễn Văn Hưng nêu ý kiến về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp do thị trường bị thu hẹp, thiếu hụt dòng tiền, thiếu vốn vay.
"Đề nghị lãnh đạo TP.HCM quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi suất vay của ngân hàng, mở rộng room tín dụng…", ông Hưng nói.
Tác động của vụ Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là rất lớn
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã điểm qua tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2023. Theo ông Mãi, tình hình chung thế giới, cả nước và nội tại TP.HCM là khó khăn.
"Hiện nay, thị trường thế giới đang trung bình giảm đơn hàng từ 30 - 50%, điều này khiến sản xuất trong nước thu hẹp lại, việc làm bị cắt, thu nhập của người lao động giảm sâu, ảnh hưởng đến an sinh, an ninh trật tự", ông Mãi nói.
Song song đó, TP.HCM cũng có những khó khăn riêng mà các địa phương khác không có. "Vụ việc liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội TP.HCM rất lớn và tác động đến việc một bộ phận cán bộ, cơ quan e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm", ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh thêm: "Từ khó khăn do dịch Covid-19 để lại, do tồn đọng trước đây, những sự việc xảy ra từ năm ngoái đến năm nay, gọi là "nội công ngoại kích", khó ngoài khó trong, nên 6 tháng đầu năm của TP.HCM có nhiều khó khăn".
Về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, ngân sách TP.HCM để duy trì sản xuất, tái cơ cấu, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, gần như mỗi tháng ông đều ngồi lại với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, các hội chuyên ngành để trao đổi, kết nối doanh nghiệp.
Thông qua đó, TP.HCM đã giải quyết linh hoạt so với quy định ở nhiều lĩnh vực, như hạn mức tín dụng, tài sản thế chấp cho các doanh nghiệp. Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi, và có kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để hạ mặt bằng lãi suất, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay hơn.
TP.HCM sẽ nâng cao chất lượng nền hành chính công vụ
Về Nghị quyết 98 thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua, ông Phan Văn Mãi cho hay nghị quyết đã được thông qua coi như là thành công bước đầu, nhưng thành công thực sự là phải tổ chức thực hiện đạt được kết quả.
TP.HCM đã xác định 38 nội dung cụ thể hóa nghị quyết mới cần trình cho HĐND TP.HCM trong các kỳ họp sắp tới trong năm nay.
Đồng thời, ngày 7.7, Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn TP.HCM để triển khai, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của UBND, HĐND TP.HCM.
Sau đó, TP.HCM sẽ có theo dõi, phân công cụ thể, đôn đốc, khen thưởng, kỷ luật và có các biện pháp về công tác sắp xếp, điều chỉnh cán bộ để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, Thành ủy TP.HCM dự kiến sẽ thành lập ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết do Bí thư Thành ủy TP.HCM làm trưởng ban. Trong ban chỉ đạo sẽ còn có các tổ công tác làm sao huy động được trí tuệ, nguồn lực từ trong và ngoài nước để góp ý thực hiện nghị quyết đạt kết quả tốt nhất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Một trong những yếu tố để triển khai nghị quyết thành công là tổ chức bộ máy và con người. TP.HCM đang xây dựng đề án nâng cao chất lượng nền hành chính công vụ, chú ý cả về con người và cơ chế chính sách, công cụ hỗ trợ".
Bình luận (0)