Tại phiên giải trình đầu tư công sáng 24.8, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm thông tin trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn của ngành giao thông hơn 500.000 tỉ đồng, bao gồm ngân sách địa phương 181.000 tỉ đồng nhưng chỉ được bố trí 54.000 tỉ đồng, đạt 29%. Trong cơ cấu tổng vốn đầu tư công trung hạn toàn thành phố, lĩnh vực giao thông chiếm hơn 34% nên áp lực giải ngân rất lớn.
Qua giám sát các dự án cụ thể, ông Lâm cho biết người dân rất quan tâm, bức xúc với dự án đang triển khai dở dang phải kéo dài, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng về phương án giá, nền hoặc mặt bằng tái định cư, điều chỉnh ranh quy hoạch, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Chủ tịch UBND TP.HCM nói về tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp |
"Dự án gấp gáp nhưng ứng xử bình thường"
Thống nhất với ý kiến của một số đại biểu về năng lực chủ đầu tư, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết thực hiện theo luật Xây dựng từ 2019, tất cả dự án giao thông phân theo từng loại ngành, chuyển về một ban lớn. Trước đây, ngành giao thông thành phố có 5 chủ đầu tư, thì nay dồn hết về Ban Giao thông. Đầu mối dự án rất lớn nên năng lực chủ đầu tư cũng cần phải nâng cao lên.
“Nếu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tốt, kiểm nghiệm tốt, nhận định được cái gì nóng, gấp và chủ động làm việc với quận, huyện, sở ngành thì hóa giải rất nhiều, thay vì chỉ phát văn bản hoặc nói tại cuộc họp”, ông Lâm nhìn nhận.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đánh giá sự phối hợp của các sở, ngành và địa phương còn chưa nhịp nhàng |
SỸ ĐÔNG |
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT nêu thực tế sự phối hợp giữa các sở, ngành hiện nay chưa nhuần nhuyễn, có nhiều dự án gấp gáp nhưng ứng xử rất bình thường. Ngược lại, có việc rất bình thường, thay vì hỏi ý kiến 1 - 2 sở liên quan thì lại hỏi quá nhiều dẫn đến mất thời gian, trong khi kết quả trả lời của các sở cũng không liên quan gì.
Liên quan đến các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM chưa có dự án nào mới mà chỉ tập trung giải quyết dứt điểm các dự án còn tồn tại. Giám đốc Sở GTVT kiến nghị Sở KH-ĐT cần thống nhất tham mưu để xử lý dứt điểm. Như dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã thống nhất chấm dứt theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và chuyển sang đầu tư công thì mạnh dạn trình để HĐND thẩm định.
Với các dự án BT dở dang như đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đoạn từ nút giao An Phú đến vành đai 2 do liên quan đến việc thanh toán bằng quỹ đất, nên phải chờ các cơ quan T.Ư và Chính phủ hướng dẫn.
Sử dụng 10 năm nhưng dự án chưa được nghiệm thu
Cũng tại phiên giải trình, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đặt câu hỏi vì sao dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam - Bắc Rạch Tra nhiều năm nay vẫn chưa xong thủ tục nghiệm thu, quyết toán.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư. Các hạng mục chủ yếu là tuyến đê dọc sông Sài Gòn, các tuyến đê nội đồng và cống dưới đê, mục tiêu chính để phòng chống lũ khi hồ Dầu Tiếng xả lũ, ngăn triều cường, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp đường giao thông nông thôn.
Người dân ở xã Nhị Bình (H.Hóc Môn) phải dùng bao cát ngăn nước từ sông Sài Gòn tràn vào nội đồng |
SỸ ĐÔNG |
Toàn bộ dự án có 45 gói thầu, cơ bản hoàn thành từ năm 2012. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nghiệm thu vì vướng mắc, thiếu sót về mặt hồ sơ, chưa đủ điều kiện bàn giao.
Ông Hoàng cho biết trước mắt, Sở giao Chi cục Thủy lợi và Công ty TNHH MTV quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM kiểm tra, quản lý các hạng mục công trình, và đề xuất gia cố các vị trí xung yếu, ngăn ngừa việc nước tràn bờ bao gây ngập úng.
Trao đổi thêm về dự án này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin tại kỳ họp cuối năm 2021, bản thân ông đã cam kết với HĐND TP.HCM và các đại biểu sẽ khẩn trương hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, quyết toán. Nhưng đến nay, việc nghiệm thu vẫn chưa hoàn toàn do nhiều vướng mắc.
Do đó, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết, cố gắng hoàn thành trong năm nay. Ông cũng cho rằng đây là điển hình của tình trạng phân tán dự án, gói thầu ảnh hưởng đến công tác giải ngân.
Chủ tịch TP.HCM nhận trách nhiệm về tỷ lệ giải ngân thấp
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng tình với đại biểu rằng “cử tri không cần chúng ta giải thích, giải trình nhiều mà chỉ cần biết dự án này, công trình kia khi nào xong”. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn thấy những khó khăn của công tác giải ngân, và phải giải quyết các khó khăn thì mới đi đến được kết quả.
Nói về trách nhiệm khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công 7 tháng chỉ đạt 26%, ông Phan Văn Mãi cho biết đây là trách nhiệm của UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM, từ công tác lập, triển khai kế hoạch đầu tư công và những kết quả đã đạt được. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm các sở, ngành phối hợp chưa đồng bộ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói về trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng |
SỸ ĐÔNG |
Trả lời câu hỏi của đại biểu về năng lực điều hành của UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi nói bản thân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, đồng thời dẫn chứng thời lượng của Thường trực UBND TP.HCM chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn về đầu tư công rất nhiều. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, chuyển biến nhanh hơn thì cần phải tập trung nhiều hơn.
Từng sở ngành có vai trò vị trí khác nhau trong từng dự án, nhưng đối với đầu tư công nói chung thì Sở KH-ĐT là cơ quan thường trực, hằng tháng họp giao ban, kiểm điểm. “Về trách nhiệm cụ thể, chúng tôi đã có nhắc nhở bằng văn bản, và dựa trên kết quả giải ngân đầu tư công cuối năm để xét trách nhiệm cá nhân, kể cả Chủ tịch UBND TP.HCM”, ông Mãi khẳng định.
Lãnh đạo TP.HCM cũng cho rằng vai trò chủ đầu tư rất lớn, và chịu trách nhiệm chính; còn các quận, huyện và sở, ngành chịu trách nhiệm trong việc phối hợp đôn đốc, siết chặt kỷ cương trách nhiệm. Đối với công tác đấu thầu chưa đảm bảo điều kiện, những việc chưa đúng quy định sẽ được kiểm tra, chấn chỉnh, nếu sai phạm thì phải xử lý.
Bình luận (0)