Chủ tịch phường - Họ là ai?: Canh cánh lo cháy nổ ở chợ Cầu Muối, Gà Gạo

01/04/2018 12:08 GMT+7

Chủ tịch phường Cầu Ông Lãnh cho biết một trong những điều ông lo lắng nhất tại địa bàn phường là vấn đề cháy nổ vì ở đây các căn nhà quá nhỏ, san sát nhau khiến việc PCCC vô cùng khó khăn.

Đang làm việc tại Phòng Nội vụ quận 1 (TP.HCM) ông Bùi Minh Tiến được phân công về làm Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh. Dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng ngày đi sâu vào trong các con hẻm không thấy ánh nắng mặt trời, ông Tiến đã mất ngủ vì thấy bà con còn khổ nhiều và lo sợ vấn đề cháy nổ trong các khu ổ chuột ngay trung tâm.
Lo cháy trong ‘khu ổ chuột’
Mở đầu câu chuyện, tôi hỏi ông Tiến về tình hình chung trên địa bàn phường, ông Tiến cho biết: “Nằm ngay trung tâm TP, phường Cầu Ông Lãnh có 14.000 dân nhưng có đến gần 1.000 người nghèo”. Tôi ngạc nhiên: “Vì sao lại nhiều như vậy?”.
Ông Tiến giải thích rằng dưới chân Cầu Ông Lãnh ngày trước có hai khu chợ đầu mối cung cấp thực phẩm cho cả TP là chợ Gà Gạo và chợ Cầu Muối. Năm 2003, hai khu chợ này di chuyển ra chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Bình Điền nhưng chỉ có một số ít hộ chuyển về đó buôn bán. Những người ở lại cải tạo các sạp buôn bán thành nhà ở chen chúc nhau, có căn chưa đầy 10m2 mà nhà có hơn 10 người ở.
Ông Tiến dành nhiều thời gian để ở trụ sở giải quyết công việc hoặc đi xuống địa phương Ảnh: Vũ Phượng
Theo ông Tiến, khu chợ Cầu Muối có 419 sạp chợ giờ người dân cải tạo thành nhà ở theo hình thức xây các bức xung quanh. Mỗi nhà chỉ khoảng 6 m2 mà vừa để xe, nấu ăn, sinh hoạt, thậm chí là buôn bán. Còn chợ Gà Gạo có 172 sạp cải tạo thành nhà ở nhưng chủ yếu là dựng tôn, ép ván nên việc phòng cháy phải đặt lên hàng đầu.
“Nhà ở khu chợ Gà Gạo và chợ Cầu Muối chằng chịt với nhau. Do vậy, vấn đề cháy nổ khiến tôi thật sự lo sợ. Nhất là Rằm tháng Bảy và lễ, tết, anh em trong phường lại chia nhau xuống vận động từng nhà về việc đốt vàng mã”, ông Tiến chia sẻ.
Những lo lắng của ông Tiến rõ ràng là có cơ sở vì hồi cuối năm 2015, khu chợ Gà Gạo từng xảy ra một vụ cháy lớn khiến hàng chục hộ dân phải “màn trời chiếu đất” trong thời gian chờ thu dọn đống tàn tro, sửa sang nhà cửa.
‘Không áp lực chuyện vỉa hè’
Ông Tiến tâm sự, phường nhiều hộ nghèo nên họ phải tìm cách mưu sinh mà trình độ hạn chế, sức khỏe hạn chế nên họ buộc phải buôn bán lòng lề đường để tìm cách sống. Do vậy, những lần xử lý lòng, lề đường ông cũng phải cân nhắc làm sao để thấu tình đạt lý.
Vì UBND phường cách chợ Gà Gạo chỉ vài trăm mét nên ông Tiến thường đi thăm bà con vào buổi chiều khi giải quyết xong công việc Ảnh: Vũ Phượng
“Ở phường đa số là bà con bán hàng rong, còn nhà mặt tiền lấn chiếm vỉa hè để buôn bán hầu như rất hiếm. Khu hai bên dạ cầu Ông Lãnh, bởi vì trước đây là chợ nên thói quen người ta ghé mua rau củ quả, các hộ dân gần đây thì buôn bán ở đó luôn. Những người bán cũng để những món hàng trong rổ, mẹt nên vừa thấy lực lượng đến thì xách chạy khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn”, ông Tiến kể.
Chúng tôi hỏi tiếp: “Khi ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Q.1 đề xuất điều chuyển ông vì vấn đề liên quan trật tự đô thị có khiến ông bị áp lực không?”. Ông Tiến trả lời rằng bản thân không bị áp lực vì cả ông và cán bộ của phường đều làm việc hết mình. Nếu coi đó là áp lực thì làm việc không được, do vậy ngược lại ông coi đó là động lực để cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc.
Trăn trở vì người nghèo ở trung tâm
Khác với những ông Chủ tịch khác, những cuộc họp thuộc các lĩnh vực phụ trách của cấp phó ông sẽ phân công Phó Chủ tịch đi dự, còn lại thì ông tham gia. Phần lớn thời gian, ông Tiến ở trụ sở để giải quyết công việc, trực hành chính, tiếp dân hoặc đi bộ vào các khu dân cư để nói chuyện cùng bà con.
“Có lần đến thăm bà con trong các hẻm vào chiều tối 30 Tết, nhìn mâm cơm họ chuẩn bị để cúng gia tiên mà tôi rớt nước mắt. Mâm cơm đơn giản, thiếu thốn đủ thứ, nhìn xót xa lắm. Vậy là tôi quyết tâm phải làm gì đó để bà con bớt khổ”, ông Tiến kể.
Nói là làm, ông Tiến tìm các đơn vị, doanh nghiệp để mở nhiều ngày hội việc làm. Nhờ vậy, nhiều người dân của phường đã chuyển đổi nghề nghiệp và có mức thu nhập ổn định hơn.
Ông Tiến nhớ như in ngày đầu về địa phương, khi ông đi vào trong khu chợ Gà Gạo để thăm hỏi người dân về vấn đề dân sinh, Trưởng Công an phường nghe vậy liền cử người đi cùng để… đảm bảo an toàn.
Một cụ bà chia sẻ là mấy nay bán không được nên ông Tiến đã mua ủng hộ Ảnh: Vũ Phượng
“Lúc đó nghe cũng hơi sợ sợ nhưng mà đi rồi mới thấy, người dân trong các con hẻm ở khu chợ Gà Gạo và chợ Cầu Muối rất khổ, nhà san sát nhau, không thấy ánh sáng mặt trời. Nhà nào cũng nhỏ, mọi người trong nhà sống chen chúc với nhau. Khi biết tôi là Chủ tịch mới, bà con cũng chia sẻ nhiều nguyện vọng”, nói rồi ông Tiến dẫn tôi đi bộ từ trụ sở UBND phường vào khu chợ Gà Gạo.
So với thời điểm 2 năm trước, chợ Gà Gạo hiện khang trang, nhiều nhà mới sạch đẹp nhưng những lối đi vẫn nhỏ, đan xen vào nhau như ngày nào. Những người già buôn bán trong chợ gặp ông Tiến thì tay bắt mặt mừng, ông Tiến dừng lại chào rồi hỏi thăm sức khỏe, tình hình buôn bán như những người thân.
Một cụ bà bán bánh tráng trải lòng: “Mấy nay mưa không bán được” nên ông Tiến đã mua một bịch to và không lấy lại tiền thừa để ủng hộ cụ. “Cảm ơn ông Chủ tịch nhiều nghen!”, bà cụ cười móm mém.
Vừa đi thêm một đoạn, một người dân thấy ông Tiến lại cười chào: “Ông Chủ tịch đi chợ à?” rồi hai người nói chuyện một chặp xong mới đi tiếp. Lúc này, tôi có cảm nhận như mình đang chứng kiến một ông chủ tịch thân thiện giống ở các vùng quê hơn là TP.
Điều ông Tiến lo nhất là vấn đề phòng cháy chữa cháy trong khu chợ Gà Gạo và chợ Cầu Muối. Trên đây là hình ảnh vụ cháy vào năm 2015 tại chợ Gà Gạo Ảnh: Phạm Hữu
Rảo hết một vòng, ông Tiến chia sẻ: “Các hẻm ở đây từ năm 1975 tới giờ chưa được cải tạo. Nhiều nhà đầu tư đã xuống coi nhưng mức lợi nhuận không cao nên họ cũng không tha thiết. Kế hoạch sắp tới của tôi là xin được vốn của UBND quận hoặc TP để chỉnh trang hẻm, từ đó nâng cao ý thức và đời sống của người dân”.
Niềm vui với “nghề” Chủ tịch phường của ông Tiến cũng giống như nhiều người đồng nghiệp khác, đó là mỗi lần nhận được sự chia sẻ, hỏi thăm của người dân, dù đó là thời điểm nào vì “dân tin tưởng thì mới tâm sự, chia sẻ với mình như thế”.
“Có nhiều cô chú con cái đi hết tối gọi hỏi thăm, nhờ góp ý định hướng nghề nghiệp hay đăng ký học trường nào hay học nghề gì, rồi có nên đi nghĩa vụ quân sự hay không?”, ông Tiến bộc bạch.
Dành hết thời gian để giải quyết công việc, chăm lo đời sống người dân. Có những ngày, ông Tiến về đến nhà thì cô con gái rượu đã ngủ từ lúc nào…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.