Quy hoạch hàng rong làm theo 2 phương án
Theo ông Trần Thế Thuận, trong các nghị quyết của Thành ủy, UBND TP.HCM vừa qua có nêu, khi tổ chức lại vỉa hè là không phải đẩy đuổi người dân, mà phải làm sao để người dân ủng hộ chủ trương này. Như vậy, người quản lý tạo điều kiện hết mực cho người dân, nhất là hộ nghèo trong địa phương ổn định cuộc sống. Có như vậy người dân mới sẵn lòng ủng hộ chủ trương.
Theo đó, về phương án 1, Q.1 sẽ khuyến khích người bán hàng rong học nghề, chuyển đổi công việc để có thu nhập cao, ổn định, lâu dài. Đồng thời, trong thời gian vận động, Q.1 sẽ phân tích thêm cho người dân thấy và tổ chức lao động hợp lý hơn.
“Có nhiều hộ buôn bán hàng rong nhỏ lẻ ở đường Võ Văn Kiệt nhưng phải nuôi cả gia đình. Nên việc buôn bán là cứu cánh của cả gia đình đó. Vì vậy, trách nhiệm của chúng tôi phải làm sao hỗ trợ người dân với gánh hàng rong đó, nhưng đồng thời phải tổ chức lao động một cách hợp lý. Một người chị có thể bán hàng rong, còn người em nên đi học nghề do độ tuổi trẻ, khả năng còn có thể hoà nhập và phát triển với cộng đồng. Đó là những gì chúng tôi mong muốn cao nhất”, Ông Thuận lấy ví dụ.
Theo ông Thuận, về việc tập trung người dân bán hàng rong theo giờ, theo quy định thì đó là phương án 2. Hiện nay ở Q.1 có 2 địa bàn là trung tâm và ngoại vi. Tuy nhiên ở P.Bến Nghé và Bến Thành là khu vực tập trung rất đông nhà hàng, khách sạn, cơ quan lớn. Nếu vẫn để tình trạng người dân buôn bán ở vỉa hè thì cũng phần nào làm mất mỹ quan đô thị. Nhưng nếu làm triệt để sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Do vậy, đề án “Phố hàng rong” là một mô hình rất mới của thành phố. Và đã được các Sở ngành có liên quan hết sức ủng hộ, UBND TP đánh giá cao. Tuy nhiên, việc gom hết người vào một khu vực chung không phải điều phù hợp, vì người dân buôn bán đã quen với nơi mình ở.
Người dân tại P.Cầu Ông Lãnh đối thoại cùng Chủ tịch UBND Q.1 vào trưa 14.3 Phạm Hữu
|
Còn tại khu vực các phường ngoại vi, Q.1 sẽ tái bố trí cho người dân, ưu tiên nhất là các hộ nghèo, cận nghèo có quá trình buôn bán hàng rong nhiều năm trên địa bàn, không có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp vào nơi có vỉa hè rộng hơn 3 m để mua bán tạm thời. Q.1 sẽ hỗ trợ như khu tập trung, có những chương trình hỗ trợ, tập huấn, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ông Thuận cũng chia sẻ thêm, cái tên “Phố hàng rong” này chưa thật sự chính danh. Nên trong kế hoạch của Q.1 triển khai sắp tới sẽ tạm gọi là “khu ẩm thực tập trung theo thời gian quy định”.
Thí điểm “Phố đi bộ Bùi Viện” trong quý 2.2017
Nói về đề án “Phố đi bộ Bùi Viện”, ông Thuận cho rằng đây là một dự án khác của Q.1. Trong thời gian vừa qua Q.1 cũng đã đề xuất với thành phố thông qua quá trình nghiên cứu ở nhiều nơi trong nước và nước ngoài và xuất phát từ nhu cầu có thật của du khách nước ngoài và người dân tại đây.
“Chúng ta không thể dùng biện pháp hành chánh để thay đổi sinh hoạt cũng như nhu cầu có thật của du khách. Mà ngược lại chúng tôi sẽ điều chỉnh để du khách càng ngày càng thấy thích hơn khi đến với thành phố nhất là khu Q.1”, ông Thuận nói.
Đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) dự kiến sẽ được làm "phố đi bộ" trong quý 2.2017 Ngọc Dương
|
Theo đó, giai đoạn đầu, Q.1 sẽ đề xuất thí điểm trên đoạn đường Bùi Viện. Tuyến đường này tương đối phù hợp vì lòng đường rộng. Hầu hết các hoạt động liên quan đến khách du lịch cũng đều xuất phát từ đây.
Nếu tổ chức thành công, Q.1 sẽ tiếp tục đề xuất mở rộng ở các tuyến lân cận như Đỗ Quang Đẩu, Đề Thám và các tuyến có liên quan; đồng thời cũng kết hợp tổ chức city tour Q.1, khách du lịch đến đây có thể đi đến “phố đi bộ Bùi Viện”, con đường âm nhạc, chợ phiên cuối tuần.
Ba đề án “Phố đi bộ Bùi Viện”, "con đường âm nhạc", “Phố ẩm thực” nếu được cho phép thì dự kiến sẽ tổ chức hoạt động trong quý 2.2017.
Bình luận (0)