Sáng 19.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 36, cho ý kiến về báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.
Góp ý vào báo cáo và dự thảo nghị quyết giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, theo kết quả giám sát thì việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập rất tích cực. Số lượng đã vượt yêu cầu đề ra, biên chế của viên chức của các đơn vị cũng giảm hơn so với chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn các kết quả này cho thấy, giai đoạn trước 2021 kết quả rất tích cực, nhưng từ 2021 - 2023 thì đang có xu hướng chậm lại. "Điều này cũng giống như cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Những đơn vị có điều kiện, có khả năng thì làm rất nhanh, tốt, nhưng đơn vị sự nghiệp công lập còn lại đang có vướng mắc bất cập", ông Thanh nhìn nhận.
Từ đó, ông Thanh đề nghị phải làm rõ, có giải pháp quyết liệt như cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp mới đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Cùng đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong số hơn 48.000 đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ hơn 3.000 đơn vị tự chủ cấp 2 trở lên, trong đó, 266 đơn vị tự chủ cả về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo ông, tỷ lệ các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ còn rất thấp.
Báo cáo của đoàn giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tại phiên họp cho hay, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023.
Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa bền vững, đồng bộ; tổng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp vẫn tăng qua từng năm. Cùng đó, theo ông Tùng, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành còn nhiều, việc chuyển giao về địa phương quản lý còn chậm; công tác quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Giải quyết được tính cơ học trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, báo cáo của đoàn giám sát đã chỉ ra được những mặt mạnh, mặt yếu, đồng thời kiến nghị các giải pháp cho thời gian tới trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Chủ tịch Quốc hội trong đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua nhiều việc còn chậm, từ thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, cho tới việc chuyển giao các đơn vị sự nghiệp công lập từ T.Ư về địa phương. Từ đó, ông đề nghị báo cáo phải làm rõ việc chậm này ở địa phương, bộ, ngành, đơn vị nào.
"Thực tế cái gì ở trên ôm không nổi chuyển về địa phương mà địa phương không có nguồn lực con người, kinh phí thì chuyển cái đó cũng vô ích", Chủ tịch Quốc hội nêu, dẫn lại ví dụ một bệnh viện đáng lẽ T.Ư quản lý nhưng T.Ư không quản lý được muốn giao cho tỉnh, tỉnh lại sợ không quản lý nổi nên từ chối, thành ra tới nay không xử lý được.
Về giải pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đoàn giám sát kiến nghị 3 nhóm giải pháp, gồm hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện và bảo đảm nguồn lực. Tuy nhiên, ông đề nghị phải rà soát kỹ cả 3 nhóm giải pháp này, nhất là việc hoàn thiện thể chế.
"Bây giờ, ai đi đâu cũng nói phải hoàn thiện thể chế. Hoàn thiện cái gì, hoàn thiện ở đâu phải chỉ ra. Quốc hội quyết luật trên cơ sở của bộ, ngành, Chính phủ trình qua Quốc hội, hai bên thảo luận, nhưng khi đi nói lại đổ cái này cho Quốc hội là quyết luật gây khó khăn, khó thực hiện", Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.
Với 9 nội dung giải pháp, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát. "Tôi băn khoăn liệu giải pháp đủ mạnh, bao trùm để giải quyết đến nơi đến chốn, khắc phục dứt điểm tồn tại, hạn chế mà báo cáo đoàn giám sát chỉ ra hay chưa?", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, giải quyết 3 điểm nghẽn chính. Thứ nhất là giải quyết được tính cơ học trong sắp xếp, tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai, là tính bền vững, đồng bộ thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thành lập đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, tạo sự bình đẳng với đơn vị doanh nghiệp, đơn vị thuộc nhà nước trong khả năng tiếp cận các nguồn lực trên thị trường.
Bình luận (0)