Chủ tịch Quốc hội: 'Cái gì gây khó cho điều hành phải tập trung tháo gỡ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/09/2024 09:55 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, những vướng mắc về thể chế, gây khó cho hoạt động chỉ đạo, điều hành cần phải tập trung tháo gỡ, cái gì sửa được ngay thì phải sửa.

Sáng 12.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 37. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 23 nội dung, trong đó dành thời gian chủ yếu cho 11 dự án luật.

Trong số này, có 2 luật dự kiến thông qua ngay tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới. Cụ thể là các dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế và dự án luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội: 'Cái gì gây khó cho điều hành phải tập trung tháo gỡ'- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

ẢNH: GIA HÂN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung 3 dự án luật vào kỳ họp 8 là luật Đầu tư sửa đổi; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và luật Đấu thầu (một luật sửa 4 luật về đầu tư); luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ngân sách nhà nước, luật Quản lý, sử dụng tài sản công, luật Dự trữ quốc gia, luật Kế toán, luật Kiểm toán độc lập, luật Chứng khoán, luật Quản lý thuế (một luật sửa 7 luật về tài chính).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương nghiên cứu bổ sung đề xuất trên vào phiên họp thứ 37 trên tinh thần đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để thông qua.

Về các nội dung khác của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho hay sẽ xem xét báo cáo kết quả của đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Cũng trong công tác giám sát, còn có xem xét báo cáo của đoàn giám sát và thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, là những báo cáo thường niên…

Một số công việc của phiên họp được Chủ tịch Quốc hội đề cập là Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp bất thường thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV. "Kỳ họp thứ 8 có nội dung nhiều nhất trong các kỳ họp của nhiệm kỳ này", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội: 'Cái gì gây khó cho điều hành phải tập trung tháo gỡ'- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi)

ẢNH: GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định rút ngắn tối đa thời lượng các phiên họp, tập trung trao đổi các vấn đề quan trọng, các vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự án luật, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế để dồn sức phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước vừa trải qua thiên tai với thiệt hại cực kỳ lớn.

"Cái gì khó khăn về thể chế, gây khó cho hoạt động chỉ đạo điều hành thì phải tập trung tháo gỡ, cái gì sửa được ngay thì sửa", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng biết vừa đi công tác tại Liên bang Nga, hội đàm với Duma quốc gia Nga, họp liên nghị viện, liên chính phủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc hiện nay. "Trong nước cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn, chỉ còn hơn 1 năm nữa là tới Đại hội XIV của Đảng. Đã đến lúc làm việc cao điểm để giải quyết công việc", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước giờ khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một phút mặc niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử nạn do cơn bão số 3 (bão Yagi). Sau đó, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thống kê đến 22 giờ ngày 11. 9, đã có 326 người chết, mất tích (181 người chết, 145 người mất tích); 806 người bị thương; 198.816 ha lúa, 33.755 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 16.564 ha cây ăn quả hư hại; 1.610 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 2.179 con gia súc, 1.378.352 con gia cầm bị chết…

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cán bộ, nhân viên, người lao động ủng hộ từ 1 ngày lương trở lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.