Chiều 18.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Dược (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý một số vấn đề liên quan đến phát triển công nghiệp dược cũng như kiểm soát chất lượng nguồn thuốc phân phối ra thị trường.
Ưu tiên phát triển công nghiệp dược trong nước
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiều lần nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển công nghiệp dược trong nước. Khi nền công nghiệp dược đủ mạnh, người dân sẽ được ưu tiên sử dụng thuốc do trong nước sản xuất để điều trị bệnh, thay vì cứ phải dùng thuốc nhập khẩu.
Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, nếu ngay từ đầu điều trị bằng thuốc nhập ngoại, cơ thể đã thích ứng thì sau này phải uống tiếp thuốc ngoại, "uống thuốc nội sẽ không phê, không hết nhanh".
Chưa kể, hiện nay số lượng người mắc các bệnh ung thư rất nhiều, trong khi đó thuốc điều trị hầu hết là nhập từ nước ngoài, rất đắt tiền.
Dẫn chứng đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi phần lớn thuốc điều trị Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội nhận định như vậy là bị động, cần có giải pháp khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội: Đừng để người dân 'tiền mất tật mang' vì quảng cáo thuốc
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng về nguồn dược liệu, "đâu đâu cũng có cây thuốc quý" nhưng chưa tận dụng tốt. Vì thế, dự thảo luật cần có các cơ chế, quy định cụ thể để phát huy tiềm năng này, cần phát triển các vùng dược liệu trong nước, kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền.
"Có những bệnh uống thuốc tây 5 - 10 năm không hết, đến khi châm cứu, thủy châm hoặc xung điện thì lại hết", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần thu hút nước ngoài đối với những lĩnh vực Việt Nam còn thiếu và yếu như đổi mới sáng tạo, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ, nhất là trong sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc công nghệ mới, thuốc biệt dược…
Xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật
Một nội dung khác là quảng cáo thuốc. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đây là nội dung được người dân rất quan tâm, cần có quy định để kiểm soát chặt chẽ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng quảng cáo sai lệch, không đúng hiệu quả điều trị của thuốc; không để người dân "tiền mất tật mang" do sử dụng phải thuốc quảng cáo không đúng sự thật.
Cũng liên quan đến vấn đề quảng cáo thuốc, dự thảo luật Dược (sửa đổi) đang đề xuất bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện quảng cáo thuốc và thông tin thuốc.
Thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Xã hội cho hay đa số ý kiến không đồng ý với dự thảo luật. Lý do, việc chuyển hoàn toàn quản lý quảng cáo thuốc sang cơ chế "hậu kiểm" là không phù hợp vì hiện nay hoạt động quảng cáo thuốc vẫn nhiều bất cập, nhiều trường hợp quảng cáo không đúng giá trị, công dụng làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng cả về sức khỏe đến tâm lý, thái độ, hành vi.
Hơn nữa, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên và kịp thời do nhân lực cả ở cơ quan quản lý tại T.Ư và địa phương còn hạn chế, chưa được bố trí tương xứng về nhiệm vụ, cơ chế.
Nhóm ý kiến này đề nghị kết hợp cả "tiền kiểm" và "hậu kiểm", đồng thời bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc.
Cùng với đó là nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng hoặc những hành vi vi phạm về quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng nội dung được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội.
Bảo đảm người dân được dùng thuốc với giá tốt nhất
Góp ý đối với dự thảo luật Dược (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần lưu ý vấn đề giá thuốc. Phải làm sao để giá thuốc đến tay người tiêu dùng là tốt nhất mà doanh nghiệp vẫn bảo đảm lợi nhuận một cách hợp lý.
Dẫn chứng hàng loạt vụ việc thuốc nhái, giả, nhập lậu… bị lực lượng quản lý thị trường bắt giữ thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội nói người dân rất quan tâm đến việc làm sao mua được thuốc thật và giá cả hợp lý.
Dự thảo luật bổ sung quyền phân phối thuốc đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mở rộng quyền phân phối thuốc là cần thiết, nhằm tránh độc quyền, nhưng cũng cần có lộ trình từng bước cho phù hợp.
Bình luận (0)