Sáng 14.3, tại phiên họp 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Thủ đô sửa đổi. Vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận là quy định giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất mới được bổ sung vào dự luật.
Tại luật Thủ đô sửa đổi, Chính phủ đề xuất quy định người sử dụng đất chỉ được sử dụng không gian ngầm trong giới hạn 15 mét tính từ mặt đất. Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Thủ đô sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật đang thiết kế thêm một phương án 2 là giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng chứ không quy định "cứng" tại luật là 15 mét. Các nội dung khác quy định như phương án 1.
Tại sao giới hạn là 15 mét mà không phải là 20 mét, hay 30 mét?
Thảo luận sau đó, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với việc quy định giới hạn chỉ được sử dụng không gian ngầm là 15 mét theo đề xuất của Chính phủ.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói, mức 15 mét theo báo cáo là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, ông Phương băn khoăn: "Tại sao giới hạn là 15 mét mà không phải là 20 mét, hay 30 mét?" Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị nên lựa chọn theo phương án quy định khung để tạo sự co giãn, linh hoạt, áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
Tổng thư ký Bùi Văn Cường cũng không đồng tình với việc quy định cụ thể giới hạn sử dụng không gian ngầm 15 mét theo phương án 1.
"Tôi tán thành phương án 2 là giao Chính phủ quy định giới hạn độ sâu không gian ngầm, để tránh khó khăn trong thực hiện với từng trường hợp cụ thể", Tổng thư ký Bùi Văn Cường bày tỏ quan điểm.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giải thích thêm việc quy định cụ thể về giới hạn không gian ngầm được sử dụng tại dự án luật để đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp là những vấn đề hạn chế quyền công dân phải được quy định tại các luật.
Phải minh bạch
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, ông cũng "nặng về phương án 2" là không quy định cứng giới hạn không gian ngầm 15 mét.
Theo Chủ tịch Quốc hội, luật chỉ quy định việc sử dụng không gian ngầm là có giới hạn, còn giới hạn bao nhiêu, cụ thể như thế nào thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
"Một cao ốc trên 100 tầng thì đóng cọc móng có khi mấy chục, trăm mét. Nếu nói trường hợp quá 15 mét phải xin phép thì lại đẻ ra giấy phép con, lại xin - cho", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội việc quy định như phương án 1 sẽ tạo ra cơ chế tiêu cực, xin - cho, thiếu minh bạch và dẫn đến hạn chế quyền công dân chứ không phải tăng quyền cho công dân.
Ông đề xuất, trong khi chưa có pháp luật chuyên ngành quy định vấn đề này thì luật Thủ đô chỉ quy định việc sử dụng không gian ngầm là có giới hạn, còn giới hạn cụ thể thì giao cho Chính phủ quy định. Việc này, theo Chủ tịch Quốc hội, là không mâu thuẫn gì với quy định về quyền công dân.
"Nếu luật quy định 15 mét thì cơ sở nào? Quá 15 mét phải xin phép. Giời đất ơi! lúc đấy lại đi xin, đi cho, lại ngồi xử lý cán bộ mình sai phạm. Cần minh bạch chỗ này ra, sau này quy định pháp luật thế nào em làm chứ không phải đi xin ai", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bình luận (0)