Luật Thủ đô vẫn chưa nhiều đột phá

11/11/2023 07:15 GMT+7

Chiều 10.11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình QH dự án luật Thủ đô sửa đổi với nhiều chính sách mới cho TP.Hà Nội.

Theo đó, đề xuất cho Hà Nội lập thêm 2 thành phố (TP) thuộc TP về logistics, dịch vụ ở khu vực phía bắc, gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; TP về giáo dục, đào tạo, khoa học ở khu vực phía tây, gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến DũngẢnh: Gia Hân

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

GIA HÂN

Về chính quyền thủ đô, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội. Dự thảo luật đề xuất trao cho Hà Nội nhiều cơ chế đặc thù, như HĐND TP được quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỉ đồng. Cùng đó, cho phép TP.Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển thủ đô…

Thảo luận tại tổ, ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, bày tỏ băn khoăn vì việc dự thảo luật Thủ đô sửa đổi chưa có nhiều đột phá, dù về vị trí địa lý, chính trị, Hà Nội rất khác so với các địa phương khác. Mặt khác, luật Thủ đô 2012 "hiệu quả thực tế còn chừng mực".

ĐB Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng cho rằng Hà Nội phải mang tính hình mẫu, lan tỏa cho sự phát triển cả nước, đòi hỏi phải đi trước, phát triển cao hơn mức yêu cầu chung của cả nước. Do đó, luật Thủ đô phải tạo tính bao trùm cao hơn, khung khổ pháp lý rộng hơn, cao hơn. Quy định phân bổ nguồn lực, bộ máy cơ chế như HĐND, UBND cũng phải có lực lượng đông hơn, chuyên nghiệp hơn, chế độ tiền lương cho cán bộ thủ đô phải cao hơn các địa phương khác…

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, dự thảo luật mới đưa ra một số cơ chế chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp phân quyền cho thủ đô, tạo tính khác biệt. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề "chưa yên tâm vì đang trao quyền nửa vời". Ngoài ra, cần phải xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá riêng cho Hà Nội, cao hơn các địa phương khác. Ví dụ như vụ cháy tại Q.Thanh Xuân mới đây, nhà xây vượt phép lên 9 tầng, nhưng kể cả xây đúng theo giấy phép 6 tầng thì cháy vẫn cháy. "Ngõ bé, sâu như thế thì phải giao cho TP quy định tiêu chuẩn riêng, hạn chế dân cư. Mặt bằng 200 m2, nếu cứ xây mỗi tòa 6 tầng thì làm gì có lối mà đi, tập trung người vào thì chết", Bí thư Hà Nội dẫn chứng, và cho rằng việc giao quyền cho Hà Nội đã thể hiện trong luật, song chưa "nét".

Cải cách tổng thể tiền lương từ 1.7.2024, tiếp tục tăng lương hưu

Ngày 10.11, QH thông qua các nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách T.Ư năm 2024. Theo đó, dự toán số thu ngân sách nhà nước là hơn 1,7 triệu tỉ đồng, tổng số chi ngân sách nhà nước là hơn 2,119 triệu tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 399.400 tỉ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Nghị quyết QH cũng nêu rõ từ ngày 1.7.2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 của T.Ư. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Cùng đó, từ ngày 1.7.2024 sẽ bãi bỏ cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính hiện nay để áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất theo chính sách cải cách tiền lương mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.