Sáng 12.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề pháp luật, cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược. Dự thảo luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp 7 hồi tháng 5, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng giữ lại quy định xác nhận nội dung quảng cáo thuốc như luật hiện hành, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung quảng cáo thuốc, hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và xác định nội dung quảng cáo thuốc. Dự thảo luật cũng yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc.
Về quản lý giá thuốc, bà Thúy Anh cho hay, một số ý kiến đề nghị làm rõ quy định kê khai giá bán buôn dự kiến vì quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước, làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho các cơ sở.
Có ý kiến đề nghị làm rõ việc tạo ra quyền thẩm duyệt, quyền thẩm định về giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các cơ quan quản lý nhà nước; đề nghị quy định chặt chẽ các biện pháp quản lý giá và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Theo bà Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất với Bộ Y tế rằng, do thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và an ninh y tế, quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc đến tay người dân có chất lượng với giá hợp lý.
Do đó, luật Dược hiện hành đã quy định biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến nhằm hạn chế việc tăng giá bán buôn thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến cơ sở tiêu dùng.
Cạnh đó, về kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.
Dự thảo luật cũng bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm như "cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ"; "cầm bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt".
Vẫn theo bà Thúy Anh, dự thảo luật cũng cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến…
Không để người dân tiền mất, tật mang vì quảng cáo thuốc
Góp ý dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần làm rõ thêm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan nguy cơ mất cân đối thị trường phân phối thuốc, ảnh hưởng quyền kinh doanh của các cơ sở kinh doanh nhỏ, nguy cơ bán chuỗi cho nước ngoài, thận trọng khi quy định kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Về quản lý giá thuốc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, điểm mới là kiểm soát giá bán buôn cần tiếp tục nghiên cứu, không làm ảnh hưởng việc mua thuốc của cơ sở y tế. Cùng đó, phải làm rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi công bố giá và của cơ quan quản lý cảnh báo về giá bán thuốc.
"Giá bán ở các nhà thuốc phải thống nhất, không thể cùng một loại thuốc nhà thuốc A bán giá này, nhà thuốc B bán giá khác", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nhấn mạnh chất lượng thuốc, ông Mẫn đề nghị rà soát thêm quy định về hậu kiểm chất lượng thuốc để đảm bảo an toàn đối với người sử dụng.
"Hiện nay, vấn đề dân quan tâm nhất là chất lượng thuốc. Tôi cũng phát biểu một lần ở thảo luận tổ là đừng để người dân tiền mất tật mang vì quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làm sao để dân sử dụng thuốc an toàn, ngành y tế phải kiểm soát được chất lượng thuốc", Chủ tịch Quốc hội nói, đề nghị các cơ quan lắng nghe ý kiến nhiều ngành, nhiều cơ quan để hoàn thiện quy định.
Chủ tịch Quốc hội nói thêm, hiện nay, quảng cáo thuốc trên truyền hình rất nhiều nhưng có chất lượng hay không? "Nhiều loại quảng cáo như thuốc nhưng lại là thực phẩm chức năng, quảng cáo mà không chịu trách nhiệm thì như thế nào, cần quy định chặt chẽ", ông nêu.
Nhắc tới quy định của Bộ Chính trị về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại yêu cầu cần rà soát trong dự án luật có nhóm tiêu cực, nhóm lợi ích nào không để điều chỉnh.
"Làm sao luật Dược sửa đổi có tuổi thọ cao, khi ban hành thì việc chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, chất lượng hơn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bình luận (0)