Chủ tịch Quốc hội: 'Làm sao để người ta thấy đoàn giám sát đến là mừng'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/10/2024 14:22 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh làm sao địa phương thấy đoàn giám sát đến là mừng vì đoàn giám sát sẽ chỉ ra điểm mạnh, điểm hạn chế và giải pháp khắc phục.

Sáng 7.10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Trình bày tờ trình, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm cho biết dự thảo luật dự kiến bổ sung nguyên tắc "bảo đảm cung cấp cơ sở thực tiễn trong quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương" của hoạt động giám sát. Tuy nhiên, vấn đề này còn ý kiến khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội: 'Làm sao để người ta thấy đoàn giám sát đến là mừng'- Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm trình bày tờ trình dự án luật

ẢNH: GIA HÂN

Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung nhiều điều khoản để quy định về các tiêu chí lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, HĐND; chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Quốc hội cũng như của HĐND; vấn đề được giải trình tại phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cũng như của HĐND.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc quy định nội dung nói trên như một nguyên tắc của hoạt động giám sát. Vì thực tế nội dung mới bổ sung thực chất là một trong những mục tiêu hướng đến của hoạt động giám sát, thường gắn với kết quả của hoạt động giám sát và không nhất thiết tất cả các hoạt động giám sát đều phải đáp ứng mục tiêu này.

Về bổ sung các tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình trong dự thảo luật, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cân nhắc việc luật hóa, bảo đảm bám sát quan điểm xây dựng luật, đồng thời tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm đã đủ rõ, có sự đồng thuận cao.

Chủ tịch Quốc hội: 'Làm sao để người ta thấy đoàn giám sát đến là mừng'- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra dự án luật

ẢNH: GIA HÂN

"Các tiêu chí hiện được quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mặc dù qua thực tiễn áp dụng thời gian cho thấy cơ bản phù hợp, tuy nhiên vẫn có trường hợp áp dụng khác để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, việc luật hóa có thể sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của luật", ông Tùng nêu.

"Tôi hồi ở địa phương, thấy các đoàn T.Ư về làm việc là mừng"

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sắp tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức các diễn đàn về hoạt động giám sát, xây dựng pháp luật của Quốc hội. Từ các diễn đàn sẽ đúc kết các kinh nghiệm thời gian qua và điều chỉnh các công tác này trong thời gian tới trong công tác giám sát, lập pháp của Quốc hội, HĐND.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, yêu cầu việc giám sát phải trúng, có trọng tâm, trọng điểm, là những vấn đề Đảng, cử tri, nhân dân đặt ra cho Quốc hội. Yêu cầu quan trọng nhất đối với việc giám sát là phải làm sao đối tượng được giám sát "thực sự tâm phục, khẩu phục".

"Làm sao thấy đoàn giám sát đến là người ta mừng, người ta vui. Vì chính đoàn giám sát này chỉ ra cái mạnh, hạn chế và giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Tôi hồi ở địa phương, thấy đoàn thanh tra, kiểm toán, các đoàn của T.Ư đến địa phương làm việc là mình mừng. Vì mình không có thời gian để kiểm tra hết các lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đoàn xuống thực sự giúp mình", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: 'Làm sao để người ta thấy đoàn giám sát đến là mừng'- Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Một yêu cầu khác, Chủ tịch Quốc hội cho rằng quan trọng là hậu giám sát. "Khi đoàn giám sát rút ra những kiến nghị đề xuất, kiến nghị thì ai làm, thực hiện thế nào, bao giờ xong là nó phải có địa chỉ, có thời gian nhất định để giám sát. Có như thế mới xứng đáng công sức bỏ ra đi làm, viết báo cáo, tổng hợp, phân tích đánh giá, rút ra kiến nghị với các cơ quan", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải đảm bảo sự phù hợp, đồng bộ của luật với các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

"Giám sát của Quốc hội, HĐND không chồng chéo với các giám sát, thanh tra của các cơ quan khác là điều tôi quan tâm", Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, luật phải ngắn gọn, tập trung, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải xác định đầy đủ các nguyên tắc cần thiết của hoạt động giám sát; xác định rõ các tiêu chí chọn nội dung giải trình, chất vấn, các chuyên đề giám sát của Quốc hội, HĐND.

"Chất vấn, trả lời chất vấn cũng làm tăng thêm khả năng bao quát, nắm chắc vấn đề của bộ trưởng, trưởng ngành. Có những bộ trưởng thấy chất vấn nhiều cũng hơi lo nhưng tôi nghĩ rằng được chất vấn là vinh dự rất lớn để mình trả lời câu hỏi của cử tri, đại biểu đặt ra", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.