Quy định 13 năm nhưng chưa thực hiện được
Sáng 18.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tần số vô tuyến điện.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp |
gia hân |
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những nội dung sửa đổi lần này là quy định về các phương thức cấp phép tần số vô tuyến điện gồm: cấp giấy phép trực tiếp; thông qua thi tuyển; và đấu giá.
Tại khoản 3 điều 18 dự luật về phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện quy định áp dụng đấu giá hoặc thi tuyển đối với băng tần có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần; băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng.
Liên quan tới vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH-CN-MT Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy trình bày cho biết vẫn còn ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định việc đấu giá quyền sử dụng đối với những băng tần có giá trị thương mại cao, băng tần thông tin di động mặt đất công cộng như trong dự thảo luật nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong việc cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (trừ các tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh).
Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại không tán thành việc đấu giá. Lý lẽ của ý kiến này, theo ông Huy, là vì các nhà mạng viễn thông di động lớn ở nước ta hiện nay hầu hết đều là các doanh nghiệp nhà nước.
"Các nhà mạng lớn tại Việt Nam cũng thể hiện quan điểm chưa nên đấu giá", ông Huy cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp |
gia hân |
Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT cho biết, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT đề nghị kế thừa quy định của luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Tuy nhiên, theo ông Huy, cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn để vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay và sự phát triển lành mạnh về thị trường kinh doanh thông tin di động, khắc phục bất cập như luật hiện hành, tuy có quy định về đấu giá nhưng không thực hiện được.
Trách nhiệm của Bộ Thông tin - Truyền thông
Luật quy định nhưng thực tế lại không đấu giá được cũng là vấn đề nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu câu hỏi: "Vì sao từ khi luật Tần số vô tuyến điện 2009 đưa ra tới nay, hơn 10 năm chưa có trường hợp nào băng tần được cấp thông qua đấu giá hoặc thi tuyển? Toàn bộ tần số đều được cấp trực tiếp như Trung Quốc đang làm?".
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp |
gia hân |
“Cần lý giải việc này chứ quy định luật pháp đưa ra mà không làm thì không có tác dụng gì”, ông Huệ lưu ý, và đề nghị cần phân tích, làm rõ xem vướng mắc nào của quy định khiến ta không làm được.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm về việc phân bổ băng tần, cũng như các nguyên tắc để chủ thể có thẩm quyền phân bổ băng tần.
"Cần có biện pháp tránh tình trạng người có năng lực lại không được phân bổ hoặc phân bổ ít trong khi người không có năng lực lại sở hữu hoặc sở hữu nhiều băng tần hoặc tích tụ tần số gây lãng phí cho tài nguyên xã hội”, ông Huệ nhấn mạnh.
Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết, việc luật ban hành 13 năm nhưng chưa thực hiện được đấu giá là do vướng mắc trong hành lang pháp luật về đấu giá.
Theo ông Long, luật Đấu giá tài sản năm 2016, luật Quản lý tài sản công thì tới năm 2017 mới được sửa đổi, hoàn thiện. Bên cạnh đó, phương pháp xác định giá cũng không phù hợp với giá tần số vô tuyến điện với tư cách một tài sản.
Tuy nhiên, ông Long khẳng định, tới nay Bộ TT-TT tiếp tục đề xuất đấu giá tần số vô tuyến điện vì với hành lang pháp lý hiện nay, việc đấu giá tần số có thể thực thi được.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, hiện nay tỷ lệ tần số sử dụng cho thương mại chỉ khoảng 15%, còn 85% dùng cho các mạng chuyên dụng, chủ yếu là quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận việc 13 năm luật ban hành nhưng không đấu giá được tần số nào là "trách nhiệm của Bộ TT-TT" và cơ quan soạn thảo sẽ chú trọng hơn vào vấn đề này.
"Chúng tôi sẽ tiếp thu để tránh tình trạng 13 năm chưa đấu giá tần số nào làm chậm sự phát triển của đất nước", ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)