Nhận định này được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra trong phần kết luận phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 4.2024 của UBND TP.HCM diễn ra chiều 3.5.
Năm 2024, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công 79.263 tỉ đồng. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, tính đến ngày 26.4, khối lượng giải ngân 5.969 tỉ đồng, đạt 7,5% tổng vốn được giao. Nếu so với số liệu hơn 5.530 tỉ đồng vào cuối tháng 3.2024 thì trong tháng qua, TP.HCM chỉ giải ngân được hơn 400 tỉ đồng.
"Tháng 4 giải ngân đầu tư công rất thấp", ông Mãi nhận định, đồng thời yêu cầu từng chủ đầu tư, cơ quan phải nghiêm túc kiểm điểm để đưa ra giải pháp khả thi. Bởi lẽ, đầu tư công vùng với chi thường xuyên tác động trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế chung của TP.HCM trong năm nay. Với gần 73.000 tỉ đồng còn lại, trung bình mỗi tháng TP.HCM phải giải ngân gần 10.000 tỉ đồng.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu các chủ đầu tư lên kế hoạch giải ngân đầu tư công hằng tháng, tập trung cho các dự án chuyển tiếp từ năm 2022 - 2023 bởi thực tế có dự án đấu thầu từ cuối năm 2023 nhưng đến nay chưa thi công.
Song song đó, chủ đầu tư cũng phải xử lý nghiêm nhà thầu năng lực yếu, chây ì, đặc biệt là nhà thầu tham gia dự án thuộc 4 ban quản lý lớn. Riêng Công ty Thuận An hiện tham gia 4 gói thầu thuộc 3 dự án ở TP.HCM, ông Mãi yêu cầu giám sát chặt chẽ tiến độ, tính toán khả năng tiếp tục phần việc để xử lý kịp thời.
Đối với Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị tập trung hoàn thành thủ tục để thanh quyết toán. Lý do, dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hoàn thành 98% khối lượng công trình nhưng tỷ lệ thanh toán còn thấp. "Phải tập trung giải quyết thủ tục để thanh toán, nhanh chóng chạy thử và đưa vào khai thác trong năm nay", ông Mãi yêu cầu.
Ngoài ra, các sở ngành, chủ đầu tư cũng cần chuẩn bị thủ tục đầu các dự án lớn như cầu đường Nguyễn Khoái, khép kín Vành đai 2, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, bảo tàng Tôn Đức Thắng... để khởi công cuối năm nay.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban Giao thông), cho biết năm 2024 được giao tổng vốn đầu tư công 12.380 tỉ đồng, phần lớn là vốn xây lắp (9.600 tỉ).
Từ tháng 5.2024 trở đi, Ban Giao thông tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm để đảm bảo khối lượng giải ngân. Bình quân mỗi tháng phải giải ngân 1.200 tỉ đồng, riêng dự án Vành đai 3 khoảng 500 tỉ. "Ban Giao thông đã lập tiến độ chi tiết dự án, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp và thi công xuyên lễ, cố gắng đẩy nhanh hơn, tranh thủ các tháng trước mùa mưa", ông Phúc nói thêm.
Đối với dự án Vành đai 3, ông Phúc nêu thách thức lớn nhất là cát phải đưa về cho kịp thời, từ nay đến tháng 6.2024. Ban Giao thông đang tập trung các nhóm giải pháp như yêu cầu nhà thầu tuân thủ hợp đồng, kể cả mua cát từ Campuchia để đảm bảo đủ lượng gia tải trong 2 tháng tới. Đồng thời, tiếp tục bám sát tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về nguồn cung vật liệu xây dựng.
Nêu một số công việc cần tập trung trong tháng 5.2024, Chủ tịch Phan Văn Mãi lưu ý khẩn trương hoàn thành các nội dung trình HĐND TP.HCM tại kỳ họp chuyên đề, dự kiến diễn ra ngày 18.5 hoặc ngày 19.5. Đồng thời, tập trung cho công tác quy hoạch, thi ý tưởng quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), công viên lịch sử văn hóa dân tộc (TP.Thủ Đức)...
Đối với đề án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), ông Mãi yêu cầu Sở QH-KT, Sở TN-MT và các địa phương liên quan xác định 6 - 7 điểm dọc tuyến metro số 1, metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Vành đai 3 để triển khai trước trong giai đoạn 2024 - 2025.
Xem nhanh 20h ngày 3.5: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)