Hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển được xem 2 địa phương có chất lượng cua ngon đứng đầu của thủ phủ cua Cà Mau. Nhưng thời gian qua, 2 huyện này diễn ra tình trạng cua nuôi chết trên diện rộng.
Cua nuôi chết trên diện rộng
Cua nuôi của gia đình ông Tô Văn Thống (ngụ xã Tân Ân Tây, H.Ngọc Hiển) chết rải rác từ đầu năm đến nay và gần đây thì lượng cua nuôi chết ngày càng nhiều. "Cua bắt lên bờ, nó sùi bọt lúc sau là chết, cua dưới vuông nuôi thì tấp vào bờ chết. Lúc cua chưa bị chết, trung bình 1 tháng gia đình tôi thu nhập hơn 10 triệu đồng từ cua. Nhưng từ khi cua nuôi bị chết, chỉ được vài trăm ngàn đồng đến triệu", ông Thống nói.
Tại H.Năm Căn, cua chết cũng ảnh hưởng đến tôm nuôi trong vuông. "Tình hình cua ở vuông tôi bị chết khoảng 80%. Con cua mở ra thì bộ phận nội tạng đen, thịt cua màu hồng. Con cua chết thì kéo theo tôm cũng bị thiệt hại. Hiện tại cua, tôm nhà tôi vẫn tiếp tục bị chết", ông Lê Hoàng Xám (ngụ xã Hàng Vịnh, H.Năm Căn) cho biết.
Ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm trưởng Trạm khuyến nông H.Năm Căn, thông tin cua nuôi trên địa bàn huyện bị chết diễn ra từ cuối tháng 2 vừa qua. Tình trạng cua chết diễn ra ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhiều hộ có cua bị chết, thiệt hại khoảng 20 - 30%, cá biệt có nhiều hộ thiệt hại khoảng 60 - 70%.
Ông Lễ giải thích: "Khảo sát tình trạng cua nuôi của bà con bị chết, các ngành chuyên môn, đánh giá thì đây cũng là một trong những biểu hiện lặp lại của 2 năm trước. Nguyên nhân cua chết là do ký sinh trùng. Hiện chưa có giải pháp nào, cũng như chưa có loại thuốc đặc trị mầm bệnh này. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến người nuôi cua các biện pháp tạm thời, để hạn chế tình trạng cua nuôi bị chết".
Chủ tịch tỉnh chỉ đạo hướng dẫn, khắc phục tình trạng cua chết
Trước tình trạng cua nuôi bị chết có chiều hướng tăng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân, ngày 8.4, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chỉ đạo tăng cường hướng dẫn, khắc phục tình trạng cua chết trên địa bàn.
Cụ thể, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố và các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng, chống bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có cua nuôi; hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học có chuyên môn sâu về vấn đề này để xác định nguyên nhân và có giải pháp xử lý hiệu quả, bền vững; đồng thời chỉ đạo cán bộ thú y, khuyến nông cơ sở bám sát địa bàn, kịp thời hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, quy trình phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi cho người dân...
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn quản lý; phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có cua nuôi để hạn chế thiệt hại; kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo trong trường hợp bệnh dịch diễn biến phức tạp, không để lây lan trên diện rộng.
Bình luận (0)