Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Không loại trừ lây nhiễm chéo Covid-19 trong khu cách ly, khu phong tỏa'

15/07/2021 21:18 GMT+7

'Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận với nhau rằng không loại trừ đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo Covid-19 tại các khu cách ly và khu phong tỏa', Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.

Tại buổi sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16 chiều 15.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót cần phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay. Cụ thể, công tác xét nghiệm Covid-19 vẫn còn một vài nơi tập trung đông người, không tuân thủ giãn cách tại nơi lấy mẫu; đôi lúc trả kết quả mẫu PCR đơn còn chậm, dẫn đến việc chậm chuyển số F0 đến nơi điều trị.

Bản tin Covid-19 ngày 15.7: Cả nước 3.416 ca bệnh mới; riêng TP.HCM 2.701 ca và thêm 69 ca tử vong

Các khu cách ly, khu phong tỏa tại TP.HCM vẫn còn tình trạng người đang thực hiện cách ly còn giao lưu, tiếp xúc nhau, không đảm bảo nghiêm quy định về giãn cách; một số F0 chậm được chuyển đến bệnh viện điều trị còn chậm. Công tác chỉ đạo có lúc còn lúng túng do công tác phòng chống dịch là những vấn đề mới, chưa có tiền lệ.
Về những công việc trong 7 ngày còn lại, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị cần đẩy nhanh công tác xét nghiệm với mục tiêu làm sao phải tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất, đưa đi điều trị và mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19. Công tác lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm và trả kết quả ở địa phương với phương châm “rõ - chắc - nghiêm - nhanh”.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tập trung cho công tác xét nghiệm trong những ngày tới

Ảnh: HMC

Từ phân tích dữ liệu các ca nhiễm phát sinh mới, ông Phong nhận định phần lớn đều trong khu cách ly và khu phong tỏa. “Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận với nhau rằng không loại trừ đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo tại các khu cách ly và khu phong tỏa”. Do đó, trong 7 ngày tới, cần đặt mục tiêu giảm dần số ca F0 tăng mới từ các khu cách ly và khu phong tỏa.
Để tập trung cho mục tiêu trên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở TT-TT TP.HCM phối hợp với các đơn vị có liên quan phân tích tình hình phát sinh ca nhiễm mới tại từng khu vực hằng ngày, để làm cơ sở đánh giá nguy cơ, nhận định khả năng lây nhiễm chéo tại các khu vực để kịp thời đề ra các đối sách phù hợp.
Các khu cách ly tập trung siết chặt các giải pháp đồng bộ trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định giãn cách; tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo. Ông Phong yêu cầu không hình thành các khu cách ly cấp huyện tại các địa điểm không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện thiết yếu như: nhà vệ sinh, phòng tắm, nơi ăn nghỉ, vệ sinh rác thải...

Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin phòng Covid-19 Johnson & Johnson của Mỹ

Hạn chế tối đa ca tử vong

Bên cạnh đó, cần phát huy Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng trong khu vực phong tỏa; tăng cường tuyên truyền, vận động kết hợp kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu người dân phải ở nhà, hộ gia đình cách ly với hộ gia đình; không để tình trạng người dân trong khu phong tỏa vi phạm quy định về giãn cách; nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu phong tỏa để kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người đang thực hiện cách ly tại các khu cách ly, khu phong tỏa.
Với số lượng ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh vai trò của công tác điều trị là cực kỳ quan trọng, mục tiêu hàng đầu là tập trung điều trị các ca F0 nặng, hạn chế tối đa tử vong. Ngành y tế cần rút ngắn thời gian chờ đợi để di chuyển các ca F0 đang được điều trị tại bệnh viện tuyến quận – huyện có dấu hiệu chuyển nặng đến các bệnh viện tuyến trên.
Về hỗ trợ người dân, TP.HCM lưu ý cần quan tâm chăm lo các trường hợp chưa hoặc không thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ theo quy định; vận động các nhà hảo tâm, người có điều kiện tốt hơn quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ người đang gặp khó khăn sinh sống xung quanh mình, để cùng nhau, chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đối với việc triển khai gói hỗ trợ Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của HĐND TP.HCM, TP.HCM đặt mục tiêu đến ngày 23.7 (ngày thứ 15 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16), mỗi địa phương phải giải ngân đạt trên 95% kế hoạch đề ra.

Người dân TP.HCM có thể mua thực phẩm tại bưu điện trong dịch Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.