TP.HCM tính chuyện kẻ ô bàn cờ trên lòng lề đường để... mang chợ xuống phố

15/07/2021 18:48 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận thay vì tổ chức bán ở trong chợ thì bây giờ kẻ ô, kẻ vạch dưới lòng lề đường, vỉa hè đảm bảo khoảng cách khi mua hàng phục vụ nhu cầu người dân.

Tại cuộc họp sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chiều 15.7, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận sau khi 3 chợ đầu mối và hàng loạt chợ truyền thống dừng hoạt động thì việc cung ứng hàng hóa cho người dân gặp nhiều khó khăn. Như hôm qua, khi có tin đồn “đóng cửa thành phố” thì có tình trạng người dân tập trung trước siêu thị mua sắm; sau khi thành phố công bố thông tin chính thức thì sức mua sắm giảm lại.
Ông Vũ cho biết đã làm việc với TP.Thủ Đức và Hóc Môn khai thác khu vực gần chợ đầu mối để làm nơi tập kết hàng hóa. 3 ngày qua, chợ đầu mối Thủ Đức đưa vào hoạt động, mỗi ngày cung cấp khoảng 100 tấn rau củ quả từ các tỉnh về; chợ đầu mối Hóc Môn đang tính phương án này.
Sở Công thương cũng khuyến khích các tiểu thương giao dịch trực tuyến và vận chuyển hàng hóa về.

Người dân TP.HCM có thể mua thực phẩm tại bưu điện trong dịch Covid-19

Điểm đáng chú ý, ông Vũ cho biết đang có phương án huy động các công ty bưu chính, giao hàng, logictics bổ sung 1.000 địa điểm bán hàng.
Ngày mai (16.7), Sở Công thương sử dụng các điểm bán của Con Cưng (150 điểm bán), Guardian (65 điểm bán), hệ thống Vinshop… cung cấp thực phẩm đông lạnh và rau củ quả. Có 7 doanh nghiệp logictics và thương mại độc lập tham gia với công suất 1.000 tấn; qua đó có thể kéo được giá thực phẩm xuống.

Nhân viên bốc xếp ở chợ đầu mối Thủ Đức vác hàng hóa xuống trước thời điểm chợ dừng hoạt động

Ảnh: Khánh Trần

Giải pháp tiếp theo là làm việc với các quận huyện để mở cửa lại các chợ truyền thống đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch.
Sở Công thương sẽ bàn bạc với Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể các cấp để các chợ truyền thống hoạt động theo mô hình tự quản, tự điều hành và giám sát với mục tiêu là giảm tối đa số sạp, tạo khoảng cách, đảm bảo 5K. Đồng thời, hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu.
“Sở Công thương sẽ cố gắng đưa thêm nhiều chợ truyền thống đủ điều kiện vào hoạt động để người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp tiếp cận các mặt hàng rau củ quả”, ông Vũ nói.
Sở Công thương cũng làm việc với Tiki, Lazada, Sendo thống nhất bán rau củ quả trên sàn thương mại điện tử, sử dụng chính kho hàng của các doanh nghiệp. Với những giải pháp trên, ông Vũ hy vọng trong vài ngày nữa tình hình cung cứng cho người dân sẽ được cải thiện Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi găm hàng, tăng giá.

Bản tin Covid-19 ngày 15.7: Cả nước 3.416 ca bệnh mới; riêng TP.HCM 2.701 ca và thêm 69 ca tử vong

Nghiên cứu mô hình "mang chợ xuống phố"

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý thành phố có 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, nhu cầu mỗi nơi khác nhau nên khi làm việc với các doanh nghiệp phải tính toán phân bổ hàng hóa gắn với từng địa bàn để đảm bảo tương thích giữa khả năng phân phối với nhu cầu mua sắm của người dân.
Đồng thời, tổ chức xe lưu động, cửa hàng “không đồng”, chương trình từ thiện của các tổ chức, đoàn thể giải quyết nguồn cung, đáp ứng cho từng địa bàn. “Thời gian qua, chúng ta đã rất nỗ lực nhưng vẫn còn tình trạng khan hiếm hàng hóa”, ông Phong nhìn nhận.
Về việc mở lại chợ truyền thống, ông Phong cho biết lãnh đạo Chính phủ vẫn còn e ngại. Do đó, Sở Công thương tham mưu phương án tận dụng mặt bằng ở các chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức để tổ chức buôn bán.
“Thay vì tổ chức bán ở trong chợ thì bây giờ kẻ ô, kẻ vạch lòng lề đường, vỉa hè đảm bảo khoảng cách khi mua hàng. Mình tổ chức theo ô bàn cờ như thế thì vẫn có thể phục vụ cho người dân khi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vượt quá khả năng cung ứng”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.