Sản xuất '3 tại chỗ', công nhân làm quen với nếp sống theo hình mẫu quân đội

15/07/2021 15:03 GMT+7

Từ trước khi TP.HCM và một số tỉnh chính thức yêu cầu doanh nghiệp sản xuất theo phương án '3 tại chỗ', nhiều doanh nghiệp đã chủ động cho tình huống dịch bệnh bùng phát, việc đi lại bị hạn chế.

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 15.7, ông Trần Thế Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh (khu công nghiệp Long Hậu, H.Cần Giuộc, Long An) cho biết ngay khi UBND tỉnh Long An yêu cầu các doanh nghiệp phải hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ) từ ngày 13.7 thì công ty đã triển khai ngay bởi cách đây 1 tháng đã chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra.
Khi thông báo phương án này đến công nhân, có khoảng 45% công nhân đăng ký làm việc, số không đăng ký vì vướng con nhỏ, mẹ già, gia đình khó khăn hoặc hai vợ chồng phải có một người ở nhà chăm con. Số lượng công nhân giảm từ gần 1.300 xuống còn gần 600 người, công ty lập danh sách để làm thủ tục đăng ký tạm trú với công an khu vực, đồng thời kết nối camera ngoài cổng để công an giám sát.

Khu vực nhà ăn trong công ty được bố trí giãn cách

Ảnh: T.L

Trước khi bước vào ngày đầu sản xuất theo phương án 3 tại chỗ, toàn bộ công ty đăng ký làm việc phải lấy mẫu xét nghiệm lại một lần nữa, chỉ những người âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được tham gia.
Nếu như nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động vì thiếu nhà xưởng để bố trí các khu vực ăn uống, sinh hoạt biệt lập với khu sản xuất thì Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh may mắn hơn khi có nhà xưởng rộng rãi trên khu đất rộng 5 ha.
Ngay trong ngày 12.7, công ty đã cải tạo, lắp thêm vòi tắm hoa sen cho 100 nhà vệ sinh, mỗi nhà rộng 1,2 – 1,8 m, đảm bảo yêu cầu 6 người/nhà vệ sinh. Trên khoảng sân rộng, hai dãy cây phơi đồ dài 100 m cho nữ và dãy cây phơi đồ dài 50 m cho nam để người lao động phơi đồ.

Không có chuyện Khu chế xuất Tân Thuận ngưng hoạt động vì Covid-19

Về khu vực nghỉ ngơi, ông Linh cho biết khu văn phòng được thu xếp lại để bố trí làm nơi đặt lều dã chiến cho nữ nghỉ ngơi, đảm bảo an ninh, kín đáo hơn. Còn bãi giữ xe và khu nhà ăn 2 tầng, nay thu dọn tầng trên, vệ sinh sạch sẽ rồi tổ chức làm nơi nghỉ ngơi cho nam.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Tổng giám đốc Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh nói rằng những ngày này, đời sống công nhân được vận hành theo hình mẫu của quân đội. Cứ vào 5 giờ 30 phút, chuông báo thức vang lên cả khu, mọi người dậy tập thể dục. 6 giờ bắt đầu ăn sáng, uống cà phê… trước khi chính thức làm việc vào lúc 7 giờ. Buổi tối, một dàn karaoke được đặt giữa công viên để phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn sau một ngày làm việc, ai không thích ca hát thì dùng điện thoại kết nối Wifi trò chuyện với người thân, xem tin tức, giải trí.
“Mình chuẩn bị tốt, tạo tâm lý thoải mái thì công nhân ăn uống và sản xuất trong nhà xưởng 1 - 2 tháng không thành vấn đề”, ông Linh nhìn nhận và cho biết nhận được một số chia sẻ rằng ở trong xưởng còn an tâm hơn ở ngoài vì bên ngoài phức tạp quá, lâu lâu lại thấy giăng dây trước nhà.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh lạc quan với phương án sản xuất "3 tại chỗ" sẽ giúp duy trì các đơn hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu

Ảnh: T.L

Vị tổng giám đốc công ty này cho biết chi phí cải tạo không nhiều, tốn bộ lều khoảng 300.000 đồng gồm nệm, mùng. Công ty cũng tổ chức ăn uống tại chỗ, mỗi ngày 3 cữ, hôm nào tăng ca tối thì có thêm cháo hoặc chè. Để động viên người lao động, công ty bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày. “Mỗi ngày doanh nghiệp tốn thêm khoảng 78 triệu đồng nhưng quan trọng nhất là không để đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Linh nói vào cho biết nếu công ty dừng hoạt động thì phải đến tháng 3.2022 mới có đơn hàng.
Đối với chi nhánh ở H.Nhà Bè (TP.HCM), doanh nghiệp sau khi nhận thông tin từ chính quyền cũng bất ngờ nên thông báo đến công nhân về lấy đồ để dọn vào ở. Khoảng 50 công nhân đăng ký ở lại được lấy mẫu xét nghiệm, hiện công ty hoạt động bình thường trên tinh thần “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Tính đến ngày 14.7, UBND TP.HCM cho biết có 161 doanh nghiệp đăng ký tổ chức thực hiện "vừa cách ly, vừa sản xuất" tại các khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng số người lao động đang lưu trú tại doanh nghiệp hơn 9.300 người. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM đã chuẩn bị 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng làm nơi cách ly tạm thời.

Nghiên cứu bài học từ Bắc Ninh

Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết công tác thẩm định phương án "vừa cách ly vừa sản xuất" của các doanh nghiệp sẽ được ngành y tế, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện.
“Ở góc độ công đoàn, chúng tôi quan tâm đến 2 yếu tố gồm: cơ sở vật chất và dinh dưỡng để người lao động vừa chống dịch vừa sản xuất nhưng phải đảm bảo sức khoẻ an toàn lao động”, ông Trung nói.
Doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, không gian đủ rộng để bố trí nơi nghỉ ngơi cho công nhân. Mặt bằng là bài toán khó với các doanh nghiệp, có thể doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất chứ không thể duy trì đủ 100% số người lao động như hiện tại.
Nhiều doanh nhiệp đông công nhân có thể tận dụng các khu vực trống, thoáng, có mái che làm nơi nghỉ ngơi tạm thời trong thời gian giãn cách, bổ sung trang bị nghỉ ngơi (đệm, lều cá nhân), quạt để tạo không khí thông thoáng.

Khu vực văn phòng được ưu tiên cho lao động nữ để đảm bảo an ninh, kín đáo

Ảnh: T.L

Bên cạnh đó, các khâu khác trong chuỗi sản xuất như vận chuyển nguyên vật liệu sản phẩm vào, ra doanh nghiệp cũng phải đảm bảo an toàn, kiểm soát đầy đủ để không sót lọt nguồn lây nhiễm từ bên ngoài.
Ông Trung đề nghị nghiên cứu kỹ cách làm của Bắc Ninh, phương án vừa sản xuất - vừa cách ly phải đảm bảo không để mầm bệnh xâm nhập vào môi trường sản xuất ở từng doanh nghiệp, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa bên trong và bên ngoài trong một thời gian nhất định.

2 phương án sản xuất an toàn

Từ ngày 15.7, TP.HCM chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp đảm bảo một trong hai trường hợp.
Thứ nhất là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.
Thứ 2, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, đó là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở như: ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung. Các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần đối với công nhân, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.