Chủ tịch UBND TP.HCM nói về 'nghi án' máy bay làm tốc mái nhà dân

12/12/2013 16:54 GMT+7

(TNO) Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết máy bay lên xuống gần khu vực dân cư là không an toàn, cho nên phải sắp xếp lại. Tuy nhiên, phần đất của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất do Bộ Quốc phòng quản lý, quy hoạch sân bay như thế nào là thẩm quyền của Chính phủ, chứ TP.HCM không thể tự quyết.


Máy bay hạ cánh ngang qua khu dân cư - Ảnh: Độc Lập

Nhiều nhà dân xây vượt độ cao an toàn

Hôm nay 12.12, trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online quanh việc vừa qua có một số phản ánh cho rằng máy bay làm tốc mái nhà dân khi hạ cánh, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nêu quan điểm: Có những máy bay lên xuống gần khu vực nhà dân là không an toàn, cho nên phải sắp xếp lại. Ông Quân khẳng định các nước trên thế giới hầu như đều không đặt sân bay quốc tế trong nội thành.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền thành phố phân tích, việc hình thành sân bay Tân Sơn Nhất và khu dân cư quanh sân bay có quá trình lịch sử lâu dài.

Sân bay Tân Sơn Nhất đã được xây dựng từ thời Pháp, khi đó, khu vực này còn là vùng đất trống ngoại thành. Đất của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất do Bộ Quốc phòng quản lý. Với sự phát triển của thành phố, hiện nay khu vực này đã trở thành đô thị nội thành, dân cư đông đúc.

Mặt khác, ông Quân cho biết, có quy định về khu vực cho phép hay không cho phép xây dựng trong vùng an toàn bay, độ cao của công trình xây dựng trong phễu sân bay nhằm đảm bảo an toàn hàng không cũng như khu dân cư.

Thế nhưng, “trong khu vực đó hiện nay có nhiều công trình xây không phép hoặc sai phép, không tuân thủ đúng quy định xây dựng, độ cao giới hạn trong khu vực phễu sân bay”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.


Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân trao đổi với phóng viên về sự việc người dân phản ánh máy bay làm tốc mái nhà dân - Ảnh: Nguyên Mi

Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân: Quan điểm của TP.HCM là để an toàn cho khu dân cư thì cần di chuyển sân bay ra ngoài. Đây là thẩm quyền của Nhà nước, Chính phủ chứ TP.HCM cũng không thể tự quyết. Hiện nay, chủ trương của Chính phủ là dời sân bây quốc tế ra ngoại vi TP.HCM và đã có dự án sân bay Long Thành.

“Sự việc (máy bay hạ cánh bị cho rằng làm tốc mái nhà dân - PV) cần phải được điều tra, làm rõ mới có thể nói có phải do ảnh hưởng của máy bay mà làm tốc mái nhà dân hay không. Tuy nhiên, đây không phải là lỗi của phi công, máy bay được. Họ chỉ thực hiện bay đúng đường bay và bay an toàn. Khu vực phễu sân bay đều có quy hoạch xây dựng, các quy định công trình phải đảm bảo đúng độ cao, thậm chí không cho phép hình thành khu dân cư dưới đường hạ cánh của sân bay. Việc để các công trình xây dựng vượt quá độ cao cho phép trong khu vực phễu sân bay, đường cất/hạ cánh là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, việc xây dựng vi phạm quy định, không đúng phép, quá độ cao giới hạn là lỗi của người dân, cũng phải chịu trách nhiệm”, đại biểu Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố nói.

TP.HCM không thể tự quyết đất sân bay

Trong phiên bế mạc HĐND sáng nay 12.12, vấn đề xây dựng sân gofl trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng được một số đại biểu đặt ra.

Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng “việc đó hết sức lạ lùng” và chất vấn Chủ tịch UBND thành phố cho biết quan điểm, giải thích việc này.

Ông Quân nêu quan điểm TP.HCM hạn chế tối đa việc phê duyệt quy hoạch xây dựng sân golf trên địa bàn. “Theo phê duyệt quy hoạch của Chính phủ, TP.HCM được xây năm sân golf. Thế nhưng, cho đến nay, TP.HCM chỉ có hai sân golf”, Chủ tịch UBND thành phố nói.

Tuy nhiên, ông Quân giải thích phần đất của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là đất quốc gia, do Bộ Quốc phòng quản lý. Sử dụng phần đất đó làm dự án, mục đích gì là do sự cho phép của Bộ Quốc phòng. TP.HCM chỉ phản đối, không đồng ý nếu dự án ảnh hưởng đến an ninh, sự phát triển của thành phố.

Theo ông Quân, gần đây có dự án xây sân golf hẹp, với quy mô nhỏ được cho phép nhưng nằm ngoài vùng an toàn bay.

Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những sân bay lớn nhất đất nước. Trước đây, sân bay được Pháp quy hoạch xây dựng với diện tích khoảng 2.000 hecta. Hiện nay, diện tích khu vực sân bay chỉ còn khoảng 800 hecta.

“Sân bay Tân Sơn Nhất có hai chức năng là phục vụ hàng không thương mại và cả nhiệm vụ quốc phòng - bảo vệ vùng trời của phía nam đất nước”, ông Quân nói.

Các cơ quan quản lý hàng không thế giới đánh giá sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong top 100 sân bay có tiêu chuẩn trên 10 triệu hành khách/năm. Năm 2013, sân bay này đón 20 triệu lượt khách.

“Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đang rất chật, với 3-5 phút lại có một chuyến bay, mỗi ngày có 500 lượt máy bay cất/hạ cánh, đón 60-100 ngàn lượt khách quốc tế và nội địa. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành”, ông Quân nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định thành phố ủng hộ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Còn “số phận” sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào, thành phố cũng không có quyền quyết định mà do Chính phủ quyết định.

Nguyên Mi

>> Ở nơi 'với tay là đụng máy bay
>> ‘Nghi án’ máy bay tốc mái nhà: Cảng vụ Hàng không ghi nhận hiện trường
>> Thêm một ‘nghi án’ máy bay làm tốc mái nhà dân
>> Cử tri phản đối sân golf trong sân bay
>> Cử tri TP.HCM bức xúc: Nước còn nghèo, sao lại xây sân golf, sân bay Long Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.