Không lâu sau khi công bố lý do về việc trì hoãn thời gian giao lô ô tô điện đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ cho khách đặt mua, mới đây trong bài trả lời phỏng vấn với Bloomberg, bà Lê Thị Thu Thủy - Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu đã chia sẻ về những kế hoạch của VinFast.
Đáng chú ý, Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu xác nhận, tỉ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (công ty mẹ của VinFast) vẫn chưa có kế hoạch "rót" thêm vốn đầu tư cá nhân vào VinFast, ngay cả khi hãng xe điện Việt Nam bị chậm kế hoạch xây dựng nhà máy, và đang tái cấu trúc, cát giảm nhân sự tại Mỹ.
Cụ thể, khi được Bloomberg hỏi về việc đầu tư vào VinFast trong giai đoạn này, CEO Lê Thị Thu Thủy cho biết: "Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng chưa có kế hoạch" đổ thêm vốn đầu tư cá nhân vào VinFast.
Cầm lái LUX A2.0, "sếp" phó Vingroup tiết lộ chiến lược của VinFast
VinFast được thành lập vào năm 2017 và tính đến tháng 9, các chủ sở hữu cũng như các bên cho vay của nhà sản xuất xe điện này đã đầu tư khoảng 7,5 tỉ USD để tài trợ vốn và chi phí hoạt động. Tuy nhiên, theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), VinFast đã lỗ 1,3 tỉ USD vào năm 2021 và gần 1,5 tỉ USD trong 9 tháng của năm 2022 (tính đến ngày 30.9). Hồ sơ tháng 12 cũng cho biết công ty dự kiến sẽ tiếp tục chịu lỗ hoạt động và lỗ ròng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo VinFast, Vingroup có khả năng và sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính đủ để VinFast đáp ứng nhu cầu tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, các tài liệu liên quan cũng cho biết hãng xe Việt đang yêu cầu bổ sung lượng vốn đáng kể và dự kiến sẽ đến từ nguồn vốn vay, vốn chủ sở hữu cũng như nguồn vốn của các bên liên quan.
Trước đó, trong bài phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Qatar vào tháng 6 năm ngoái, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết, VinFast sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina, Mỹ vào tháng 9 tới. Đến nay theo cập nhật của người đứng đầu VinFast: "nhà máy đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và VinFast đang hoàn thiện các giấy phép để có thể bắt đầu xây dựng". Bà cho biết thêm VinFast vẫn đang trên đà bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại cơ sở ở Bắc Carolina vào năm 2024.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Sẽ đầu tư 2 tỉ USD xuất khẩu ô tô điện VinFast sang Mỹ
Theo Bloomberg, nếu việc xây dựng nhà máy bị trì hoãn càng lâu, VinFast sẽ càng mất nhiều thời gian để bắt đầu sản xuất xe điện qua đó mất đi cơ hội cạnh tranh tại Mỹ. Bởi, phải đến khi được sản xuất tại Mỹ, ô tô điện VinFast mới đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp của chính quyền Mỹ trị giá 7.500 USD/chiếc.
Từ nay cho đến khi dây chuyền sản xuất ô tô tại Mỹ đi vào hoạt động, VinFast vẫn phải sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, lô ô tô điện VinFast đầu tiên (gồm 999 chiếc VF8) đến Mỹ từ cuối năm ngoái đã bị trì hoãn việc giao xe cho khách hàng đến cuối tháng 2.2023.
Vấn đề này được bà Thủy lý giải là do VinFast đang chờ chứng nhận từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) để tăng phạm vi hoạt động tối đa của xe (hiện chỉ 333 km). Trong thời gian chờ đợi, VinFast đang tiếp tục cập nhật phần mềm cho những chiếc VF8 nhằm nâng cao trải nghiệm cho người dùng. Mới đây, trong kế hoạch tái cơ cấu VinFast đã cắt giảm khoảng 80 việc làm ở Bắc Mỹ, bao gồm cả giám đốc tài chính người Mỹ.
VinFast đặt mục tiêu sản xuất 1,1 triệu xe mỗi năm vào năm 2026. Trong 3 tháng tính đến ngày 31.12, VinFast đã giao hơn 4.900 xe điện tại Việt Nam.
Bình luận (0)