Theo đó, sẽ hợp nhất Sở Kế hoạch - Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính; Sở GTVT, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị đang được dư luận chú ý.
Mới nghe qua thì có lẽ cũng có thể sẽ có một số ý kiến tán đồng bởi nó nằm trong chủ trương tinh giản bộ máy hành chính mà chúng ta đang hướng tới. Tuy nhiên, nếu nhìn trên một bình diện 64 tỉnh, thành cả nước, tôi thấy chưa được ổn và hình như có phần máy móc.
Chúng ta đều biết, Hà Nội và TP.HCM là hai đầu tàu kinh tế của nước ta. Trong khi hiện nay, cả nước có đến gần 50 tỉnh, thành tổng nguồn thu chưa đủ chi, còn phải trông chờ vào "bầu sữa" T.Ư.
Theo kết quả điều tra dân số mới đây, cả nước đã vượt mốc 90 triệu dân. TP.HCM cũng là thành phố có số dân đông nhất cả nước, với trên 7,9 triệu người; Hà Nội đứng thứ hai với hơn 7 triệu người; Thanh Hóa đứng thứ ba với hơn 3,4 triệu người.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có rất nhiều địa phương dân số chỉ vài chục vạn (như Bắc Kạn chỉ 30,1 vạn dân; bằng 1/26 so với TP.HCM) hoặc tỉnh dưới 1 triệu dân thì rất nhiều. Ấy vậy mà nay không hiểu sao các cơ quan tham mưu lại có thể đưa ra một mẫu số chung cho việc xây dựng tổ chức mới ở chính quyền địa phương.
Không phải tôi không tán đồng việc Bộ Nội vụ đề xuất thay đổi mô hình tổ chức chính quyền ở địa phương nói trên trong một xu hướng tin giản bộ máy gọn nhẹ nhưng chúng ta nên nhớ, gọn nhẹ là tốt nhưng vẫn phải hiệu quả.
Báo chí có dẫn lời Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong xung quanh câu chuyện thu gọn mô hình sở hiện nay thành các "siêu sở" trong tương lai. Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, chỉ riêng Sở Kế hoạch - Đầu tư, do TP.HCM đặt ra mục tiêu phải đạt 500.000 doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 nên trong năm 2017 phải thành lập mới 50.000 DN. Bình quân mỗi tháng có hơn 4.000 DN mới được thành lập.
Năm 2016, Sở Kế hoạch - Đầu tư phải giải quyết 273.000 hồ sơ; hằng năm Sở cũng tiếp nhận và phát đi hàng chục ngàn văn bản. Hiện có 80 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư tại TP.HCM với hơn 6.722 dự án Sở Kế hoạch - Đầu tư đang theo dõi...
Chỉ một dẫn chứng cụ thể như thế đã cho thấy sự cào bằng giữa các địa phương trong việc xây dựng mô hình tổ chức mới là chưa ổn. Không lẽ một thành phố thu ngân sách mỗi năm bằng 1/3 cả nước mà chúng ta cũng làm rập khuôn cứng nhắc như vậy, như một tỉnh miền núi vài ba chục vạn dân như vậy sao?
Bình luận (0)