Chữa bệnh 'nâng giá, hủy cọc' cho sầu riêng

12/09/2023 06:29 GMT+7

Đua nhau nâng giá "ảo", xúi người trồng hủy cọc, tự các thương lái, doanh nghiệp trong nước đang cạnh tranh lẫn nhau dẫn đến nguy cơ sản xuất bất ổn.

Đó là nội dung Hội nghị trực tuyến về trái cây tỉ đô do Sở NN-PTNT Đắk Lắk, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk và Báo Nông nghiệp VN tổ chức hôm qua (11.9).

Tăng trưởng nóng, cạnh tranh thu mua

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm, chia sẻ: "Từ đầu vụ, nông dân đã ký hợp đồng với công ty ở mức giá từ 65.000 - 75.000 đồng/kg. Nhưng khi vào thời vụ hàng khan hiếm, giá tăng cao thì nông dân bắt doanh nghiệp (DN) nâng thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Việc này ảnh hưởng đến kế hoạch giao hàng với đối tác bên Trung Quốc và các nước khác. Vì thiếu hụt nguồn hàng nên DN bị đưa vào thế bị động phải tức tốc kiếm hàng hóa bên ngoài. Việc này gây nên hỗn loạn về chất lượng cũng như giá cả".

Chữa bệnh 'nâng giá, hủy cọc' cho sầu riêng - Ảnh 1.

Xuất khẩu sầu riêng có thể lên đến 2 tỉ USD trong năm nay nhưng vẫn thiếu liên kết trong khâu sản xuất - tiêu thụ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bà Thanh cho biết thêm ngoài việc phá vỡ liên kết của không ít người trồng thì một đội ngũ "cò" gây ảnh hưởng lớn đến giá cả, chất lượng sầu riêng. Mặc dù không biết kỹ thuật "chốt" vườn và tất cả mọi thứ, nhưng "cò" vẫn vào "chốt" vườn tạo nên giá "ảo".

Tại diễn đàn, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (TP.HCM), cũng bức xúc: "Năm nay, Tập đoàn Vạn Hòa đã có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức giá sầu riêng tăng quá cao, một số khách hàng đã có động thái muốn cắt giảm đơn. Để đảm bảo ổn định nguồn hàng. Từ tháng 7.2022, chúng tôi đã liên kết sản xuất với nông dân khu vực miền Đông Nam bộ và Tây nguyên, trong đó có chính sách đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu

đồng/ha. Tuy nhiên cho đến nay thì có thể nói rằng việc đầu tư này hoàn toàn thất bại. Khi giá tăng cao, người trồng nghe theo lời thương lái hủy cọc, phá vỡ hợp đồng. Hiện nay chúng tôi đang phải đi thu hồi vốn đã bỏ ra đầu tư cho người nông dân".

Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn), phản ánh: "DN đã có nhiều năm kinh nghiệm giao dịch với phía Trung Quốc trong lĩnh vực nông sản, trong khâu liên kết sản xuất. Thế nhưng, hiện nay một số DN, tổ chức cá nhân trong nước không hiểu biết về sầu riêng lại thi nhau nhảy vào làm, nâng giá, làm xáo trộn ngành hàng. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh. Nếu so về giá bán thì giá tại vườn còn cao hơn cả giá thị trường. Như vậy thì làm sao có lợi nhuận mà họ lại tranh mua? Thị trường sầu riêng Trung Quốc có tiềm năng lớn, các DN cần có tư duy bắt tay đồng hành thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về vấn đề giá cả".

Hàng chụp giật, mạo danh sẽ phá sản

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cho biết: "Diện tích trồng sầu riêng tại Đắk Lắk đang phát triển nhanh ở hầu hết các xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Với 28.000 ha đang trồng, Đắk Lắk đang có diện tích sản xuất sầu riêng lớn nhất cả nước.

Hiện nay, quy trình thu mua có 3 hình thức chính. Thứ nhất, một số DN đặt cọc với người sản xuất, cách thời điểm thu hoạch 1 - 2 tháng bằng hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô ước tại vườn.

Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với DN tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa để đầu tư chăm sóc cho vườn cây.

Rau quả cũng có thể thu chục tỉ USD như thủy sản

Ngày 11.9, tại TP.HCM diễn ra hội thảo "Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây VN", do Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) phối hợp với Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) tổ chức.

Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới hiện nay đều lồng ghép các nội dung về lao động, môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển xanh bền vững vào cùng với các yếu tố truyền thống như mở cửa thị trường, giảm thuế. Chúng ta không có cách nào khác là phải tuân thủ các quy định đó một cách nghiêm túc. Trong các nhóm ngành thì thủy sản là lĩnh vực tuân thủ các quy định SPS (các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của WTO) tốt nhất. Nhờ vậy, hiện nay thủy sản là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của VN với kim ngạch những năm gần đây lên đến hàng chục tỉ USD.

Các lĩnh vực khác trong nông nghiệp đặc biệt là rau quả cũng có thể đạt được những thành tựu như thủy sản nếu từ bây giờ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tuân thủ các quy định SPS. Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia của UNIDO tại VN, cho biết: Hiện nay chúng tôi đang thành công trong chuỗi sản xuất, chế biến xoài và bưởi xuất khẩu. Dự án của chúng tôi đã phát triển và chuyển giao công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch giúp trái xoài có thể bảo quản tối đa đến 40 ngày và bưởi là 120 ngày. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc vận chuyển và tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó là giảm tổn thất sau thu hoạch đến 15% nhằm giúp tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm.

Thứ ba, một số đối tượng thương lái, "cò" vào tận vườn để chốt giá ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg. Điều này gây ra nhiễu loạn thông tin trên thị trường. Giải pháp hiện nay là nâng cao ý thức cho người trồng và cả cộng đồng DN, thương lái để tạo sự đồng thuận. Nếu tất cả đều thống nhất không thỏa hiệp với những việc làm tác động xấu tới chất lượng sản phẩm, thương hiệu, uy tín của ngành hàng sầu riêng VN thì mới có thể đưa sản phẩm đi xa được".

Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Thu Hương phân tích: Sầu riêng VN không phải chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, sầu riêng tươi đã xuất khẩu đi 24 thị trường khác nhau. Từ tháng 1 - 8.2023, VN đã xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đến 10 thị trường. Sắp tới đây Cục Bảo vệ thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang thị trường Ấn Độ, một thị trường tỉ dân rất tiềm năng. Điều này cho thấy, trái cây tỉ đô này vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển, miễn là chúng ta đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường.

"Thương hiệu của từng DN rất quan trọng. Những lô hàng chụp giật, mạo danh không chóng thì chầy sẽ phá sản thôi. Nhưng điều này sẽ dẫn đến mất luôn thương hiệu sầu riêng VN, làm ảnh hưởng đến những DN làm ăn uy tín khác. Hiện nay các đối thủ của chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Philippines… liên tục đầu tư vào khoa học công nghệ. Họ đã xây dựng được thương hiệu và định vị, định danh trên thị trường quốc tế. Nếu chúng ta cứ ngủ quên trên chiến thắng thì sẽ thua ngay từ lúc bắt đầu", bà Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thẳng thắn nhìn nhận: "Tình trạng chụp giật trong ngành sầu riêng không phải là câu chuyện lạ đối với ngành nông nghiệp VN. Trước đó, có rất nhiều ngành hàng tiềm năng như vú sữa Lò Rèn… xuất khẩu sang Mỹ hay chanh dây nổi lên ở vùng Tây nguyên cũng rất háo hức nhưng đã nhanh chóng rơi vào "bi kịch" vì chúng ta nghĩ đến thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức. Vấn đề hiện nay là liên kết các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và vấn đề quản lý mã số vùng trồng. Trước nay, chúng ta làm theo kiểu xuề xòa, khuyến khích động viên là chính, nhưng sắp tới Bộ sẽ xây dựng các quy định để tiến tới bắt buộc thực thi một cách nghiêm túc. Nhiều người nói với tôi rằng rất khó thay đổi tập quán, tư duy thiếu đoàn kết của các chuỗi sản xuất nhưng nếu chúng ta không vượt qua được khó khăn này thì không thể nào đi xa hơn được". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.