Chưa biết thế nào là 'bài thi tổng hợp'?

07/09/2016 09:04 GMT+7

Dự thảo phương án thi 2017 Bộ GD-ĐT vừa đưa ra đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với những câu hỏi lớn về cái gọi là 'bài thi tổng hợp' và 'đánh giá năng lực'.

Liên môn hay xếp các môn cạnh nhau?
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Hà Nội, cho rằng giao kỳ thi THPT cho các địa phương là đúng, điều quan trọng là Bộ phải giám sát để đảm bảo chất lượng.
Về hình thức thi, ông Lâm nói nếu thi trắc nghiệm hầu hết các môn như vậy thì phải đảm bảo tính khách quan rất cao để kiểm tra được sự thông hiểu của học sinh (HS). Với bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như dự thảo, ông đề nghị kỳ thi THPT năm 2017 chỉ dừng ở mức độ kiểm tra kiến thức của nhiều môn, các câu hỏi của từng môn xếp cạnh nhau là chủ yếu. Phần đề đòi hỏi HS phải vận dụng kiến thức liên môn thì nên để phân hóa HS khá giỏi chứ không nên để kiểm tra kiến thức tốt nghiệp ở mức cơ bản. “Do cách dạy học chưa thay đổi nên nội dung đề thi không nên đặt ra những yêu cầu mang tính đánh đố, xa lạ với những gì HS được học hằng ngày”, ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, băn khoăn liệu thi toán theo hình thức trắc nghiệm có đánh giá được năng lực tư duy của HS? Với bài thi tổng hợp, ông Huy đề nghị khi công bố phương án chính thức Bộ cần nêu rõ bài thi tổng hợp ở kỳ thi tốt nghiệp THPT là mức độ nào? Nếu là bài thi đánh giá năng lực thì yêu cầu cao so với kỳ thi này và so với thực tế HS đang được học, còn nếu chỉ ghép đơn thuần các môn thi với nhau thì việc chọn lọc nội dung của từng môn trong bài thi tổng hợp đó cũng cần làm rõ.

tin liên quan

Thi THPT quốc gia 2017: Dự kiến có 5 bài thi
Từ năm 2017 có thể kỳ thi THPT quốc gia sẽ được giao cho các sở GD-ĐT chủ trì. Còn việc xét tuyển ĐH, mỗi trường được tự lựa chọn phương thức phù hợp, kể cả tự tổ chức thêm một kỳ thi hoặc hình thành nhóm.
Với đề thi tuyển sinh ĐH, ông Huy, với tư cách là một phụ huynh có con sẽ thi ĐH trong năm tới, cho rằng tâm lý chung của người học và phụ huynh là vẫn muốn thi theo môn và tuyển sinh theo khối, vì ngay từ lớp 10 HS và phụ huynh đã chuẩn bị, ôn tập theo các khối thi truyền thống.
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, những người phụ trách về khảo thí của ngành GD-ĐT ngay tại TP.Hà Nội hay các tỉnh miền núi như Hòa Bình, Điện Biên đều đang rất tò mò về cái gọi là “bài thi tổng hợp”. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa hình dung một đề thi bao gồm nhiều môn thi sẽ ra theo hướng nào, xếp cạnh nhau một cách cơ học hay đòi hỏi HS phải có kiến thức tích hợp, liên môn mới làm được bài.
Cần công bố phương án và định dạng đề thi
Về đề thi trắc nghiệm, một người làm công tác khảo thí lâu năm của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết hiện nay mã đề trắc nghiệm khác nhau mới đảo thứ tự các câu, còn lại hầu như vẫn có bằng ấy câu hỏi giống nhau. Nếu áp dụng thi trắc nghiệm với hầu hết các môn thì phải có một ngân hàng đề thi rất lớn, nhiều câu hỏi khác nhau, đáp án khác nhau nhưng mức độ yêu cầu tương đương nhau.
Ông Nguyễn Tùng Lâm đề xuất: Bên cạnh việc công bố phương án thi một cách rõ ràng, Bộ cũng cần công bố luôn cả định dạng đề thi để các trường có sự hình dung và chuẩn bị cho HS của mình. “Chậm nhất là đầu tháng 10.2016 phải có phương án chính thức”, ông Tùng Lâm đề xuất.
Một phụ huynh có con học tại Trường THPT Việt Đức, Hà Nội lo lắng: “Các con đã học 2 năm theo phương thức ra đề của 2014, 2015 là thiên về 5 môn thi THPT quốc gia, giờ thêm 2 môn nữa học làm sao kịp? Nếu thay đổi chỉ nên áp dụng cho 2 - 3 năm nữa để HS có thời gian chuẩn bị”.
Cần cân nhắc nhân rộng cách thi của ĐH Quốc gia Hà Nội
Không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn việc đánh giá năng lực theo đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng khi áp dụng ở quy mô hẹp có thể được vì HS còn có những lựa chọn khác, nhưng nếu áp dụng đại trà thì cần phải tính toán rất cẩn trọng.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng băn khoăn: “Tất nhiên đã có chỗ dựa là 3 năm thử nghiệm của ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng những thử nghiệm đó vẫn còn phải được đánh giá một cách nghiêm túc, có khoa học. Nếu nghiên cứu qua các câu hỏi đánh giá năng lực thì ở riêng phần toán, tôi thấy vẫn chưa thật sự đạt yêu cầu. Dường như ta vẫn chỉ chú trọng đến kỹ năng tính toán mà thiếu hẳn phần về suy luận logic, kỹ năng đọc hiểu và rút trích thông tin, phân tích dữ liệu”. Ông Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng cần cân nhắc nhân rộng, phổ biến việc thực hiện bài thi tổng hợp kiến thức trên cả nước bắt đầu từ những thành công trong phạm vi ĐH Quốc gia Hà Nội. Còn ông Nguyễn Viết Đăng Du cho rằng chưa có một nghiên cứu nào chứng tỏ cách tổ chức của ĐH Quốc gia Hà Nội phù hợp với tất cả HS ở tất cả các vùng. Chính vì thế việc thay đổi cũng cần tính toán kỹ hơn.
T.Mai - L.Ngọc
Ý kiến
Học sinh khó chủ động
Chứng kiến rất nhiều thay đổi cách thi trong 2 năm liên tiếp gần đây, em thấy rất hoang mang vì mỗi năm tổ chức thi, xét tuyển một kiểu rất khó để tụi em có thể chủ động. Em học khối A1, đã quen với cách học toán truyền thống nên việc thay đổi hình thức thi môn toán từ tự luận sang trắc nghiệm là một việc em hoàn toàn không mong muốn. Em rất hy vọng trong bài thi trắc nghiệm vẫn có một vài câu lồng ghép tự luận ngắn.
Trần Nam Khoa
(Học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM)
Môn toán thi trắc nghiệm vẫn đánh giá tốt các kỹ năng
Thực ra nhiều năm nay, các môn lý, hóa, sinh, Anh đã thi trắc nghiệm nhiều rồi, chỉ còn văn, sử, địa và toán là chưa thi trắc nghiệm. Chuyển sang thi trắc nghiệm chắc chắn sẽ bao quát các kiến thức nền tảng của chương trình phổ thông hơn, nhưng lại không đi quá sâu để thí sinh phải ôn luyện đặc biệt mới làm được. Còn lại một số kỹ năng mà trắc nghiệm không bao quát được ta sẽ dùng hình thức tự luận, như viết một bài luận bằng tiếng Anh hay phát biểu ý kiến về một vấn đề (dạng đề mở), hoặc giải 1, 2 bài toán tổng hợp dưới dạng tự luận. Kể cả ở môn toán, thi trắc nghiệm vẫn đánh giá rất tốt các kỹ năng cơ bản của HS như kỹ năng tính toán, tư duy logic, kỹ năng đọc hiểu số liệu”.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng
(Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM)
Xóa quan niệm môn chính, phụ
Tôi rất tán đồng phương án đổi mới việc tổ chức thi THPT quốc gia năm học 2016 - 2017 và cho rằng đây là một bước chuyển hợp và hay. Việc áp dụng từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm với tất cả các môn, trừ môn văn, sẽ có thể đánh giá toàn diện hơn. Ngoài ra, còn xóa bỏ tư tưởng môn chính, môn phụ tránh học lệch. Tuy nhiên, thay đổi này cũng nên có một lộ trình rõ ràng. Hiện nay, hầu hết các trường đều chưa nhận được tín hiệu chính thức về việc sẽ thay đổi hình thức thi nên việc dạy và học vẫn tuân theo lối cũ.
Nguyễn Viết Đăng Du
(Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)
Lam Ngọc (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.