Chùa Cầu 'bớt cổ kính': Không thể yêu cầu một công trình đại trùng tu giữ lại hết các yếu tố cũ kỹ

Mạnh Cường
Mạnh Cường
28/07/2024 11:44 GMT+7

Đó là quan điểm của lãnh đạo TP.Hội An trước một số ý kiến nhận xét, di tích chùa Cầu (TP.Hội An, Quảng Nam) sau quá trình tu bổ bớt 'cổ kính'.

Giữ được yếu tố gốc

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng nay 28.7, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho biết dự án trùng tu di tích chùa Cầu đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị khánh thành vào chiều 3.8, nhân sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản".

Trước những luồng ý kiến ban đầu về diện mạo chùa Cầu "bớt cổ kính" sau trùng tu, ông Sơn cho rằng quá trình trùng tu di tích chùa Cầu có cả đội ngũ chuyên gia đến từ Việt Nam và Nhật Bản rất am hiểu về di tích đặc biệt như chùa Cầu; mọi công đoạn trùng tu đều làm đúng quy trình. Cụ thể, trùng tu phải đảm bảo được 2 yếu tố: giữ được yếu tố gốc và phải luôn đảm bảo tính vững bền. Vì vậy, cái gì còn tận dụng được thì chính quyền thành phố đều yêu cầu giữ lại và không vững bền thì không trùng tu.

Chùa Cầu 'bớt cổ kính': Không thể yêu cầu một công trình đại trùng tu giữ lại hết các yếu tố cũ kỹ- Ảnh 1.

Di tích chùa Cầu nhìn từ trên cao

MẠNH CƯỜNG

"Theo thời gian thì nó sẽ cũ ra, cổ kính trở lại chứ không thể yêu cầu một công trình đại trùng tu xong như vậy mà giữ lại hết các yếu tố cũ kỹ như nguyên bản hết được", ông Sơn nói.

Quá trình trùng tu, từng cây gỗ gốc nếu còn dùng được sẽ giữ lại để đánh dấu cấu kiện để nối vào. "Nguyên tắc trùng tu là giữ rất kỹ. Công trình này được Bộ VH-TT-DL đánh giá mẫu mực về trùng tu. Riêng việc dư luận có ý kiến chùa Cầu "bớt cổ kính" sau trùng tu thì đó là chuyện của mỗi người", ông Sơn chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP.Hội An cũng cho rằng, việc những viên ngói cũ hư hỏng hết thì buộc phải thay ngói mới; sau thời gian, mưa gió, rêu phong thì những viên ngói mới đó sẽ sớm cũ và cổ kính lại. "Không thể lấy ngói cũ đã mục để đưa vào cho rêu phong được!", ông Sơn nêu quan điểm.

Diện mạo chùa Cầu sau trùng tu gây tranh cãi: TP. Hội An sẽ xử lý lại

Chùa Cầu 'bớt cổ kính': Không thể yêu cầu một công trình đại trùng tu giữ lại hết các yếu tố cũ kỹ- Ảnh 2.

"Diện mạo" mới chùa cầu sau trùng tu

MẠNH CƯỜNG

Người đứng đầu chính quyền TP.Hội An thông tin, quá trình trùng tu có sự theo sát, giúp sức của cả đội ngũ chuyên gia văn hóa đầu ngành của Việt Nam lẫn Nhật Bản. Trong thời gian trùng tu, nếu vấp phải các ý kiến trái chiều thì đều cho dừng lại để tổ chức hội thảo tham vấn, chứ không thể làm ẩu, làm bừa được. Vì vậy, dự án này ban đầu dự tính hoàn thành trong 1 năm, nhưng đã phát sinh lên hơn 1,5 năm.

Chùa Cầu 'bớt cổ kính': Không thể yêu cầu một công trình đại trùng tu giữ lại hết các yếu tố cũ kỹ- Ảnh 3.

Những cột kèo cũ vẫn được tận dụng để tái sử dụng

MẠNH CƯỜNG

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho biết: Việc ý kiến dư luận thì đa chiều nên chính quyền luôn lắng nghe. Dự án do UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư, thực hiện theo đúng phê duyệt của tỉnh và Bộ VH-TT-DL. Riêng việc đánh giá công trình và nghiệm thu dự án thì thuộc ngành xây dựng.

'Đã trùng tu thì phải mới'

Sáng nay 28.7, trao đổi với PV Thanh Niên, nhà nghiên cứu văn hóa Tôn Thất Hướng (Quảng Nam) cho biết ông đánh giá cao dự án trùng tu di tích chùa Cầu khi đã hoàn thành nhưng vẫn giữ được yếu tố gốc.

"Qua quan sát và so sánh thì có thể thấy các yếu tố gốc của di tích như kết cấu gỗ, con giống mái, kỹ thuật về xây dựng lắp mái, chạm khắc... đều được giữ nguyên như bản gốc", ông Hướng nói.

Ông Hướng lý giải, đã là trùng tu thì bao giờ cũng phải có cái mới chứ không thể đảm bảo như cũ được. "Trùng tu xong, vấn đề màu sắc mới, sặc sỡ hơn là không thể tránh khỏi. Nhưng vài năm sau khi trải qua mưa gió thì màu sắc sẽ chuyển đổi, giảm bớt tông màu nó lại nhìn mềm mại hơn, cổ kính như xưa. Những ý kiến cho rằng chùa Cầu không còn cổ kính sau trùng tu là không hiểu được kiến trúc, văn hóa", ông Hướng nói.

Chùa Cầu 'bớt cổ kính': Không thể yêu cầu một công trình đại trùng tu giữ lại hết các yếu tố cũ kỹ- Ảnh 4.

Hoa văn trên mái ngói vẫn giữ được yếu tố gốc

MẠNH CƯỜNG

Như Thanh Niên đã thông tin, hiện nay dự án tu bổ di tích chùa Cầu hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị khánh thành công trình mang tính biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An.

Hiện di tích chùa Cầu hiện đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu gồm hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình...

Vài ngày qua, khi toàn bộ mái che được tháo dỡ, di tích chùa Cầu đã lộ diện cho người dân và du khách chiêm ngưỡng.

Có thể dễ dàng nhận thấy di tích chùa Cầu sau khi tu bổ trở nên mới mẻ, sáng hơn bởi màu sơn, màu mái ngói và họa tiết trên mái ngói. Các ký tự cũng được sơn quét lại. Vì thế, nhiều người dân nhận xét di tích này kém phần "cổ kính" so với trước.


Quá trình trùng tu di tích chùa Cầu buộc phải tạm dừng một thời gian do gây tranh cãi về mặt cầu "cong hay thẳng". Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, thảo luận của các chuyên gia, nhà chuyên môn thì xác định mặt cầu là cong.

Riêng thông tin cho rằng mặt cầu thẳng là do năm 1915, thời đó Pháp để cho ô tô chạy qua nên đã bỏ 2 dầm sắt vào cho phẳng, chứ không phải gốc của di tích này là phẳng. Nội dung này cũng đã được kết luận từ những người có chuyên môn. "Nguyên bản của mặt cầu này vào thế kỷ 16 – 17 là cong, nhưng đầu thế kỷ 20 Pháp mới cho làm thẳng", ông Sơn lý giải.

Dự án tu bổ chùa Cầu có tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng. Dự án khởi công từ ngày 28.12.2022, đến nay đã hoàn thành quét 3D toàn bộ di tích, hạ giải hệ mái ngói âm dương, hạ giải hệ khung gỗ. Đồng thời, gia cố hệ móng, mố, trụ, tu bổ hệ đà sàn, khung và mái; gia cố hệ móng, mố, trụ (phần còn lại); các hạng mục phụ trợ, tôn tạo cảnh quan...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.