Mới đây, ông Lê Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, đã ban hành văn bản về việc thay đổi thời gian tổ chức thực hiện kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây (tổ 14, P.Thanh Xuân Trung).
Văn bản thể hiện, trước đó, UBND Q.Thanh Xuân ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế thu hồi đất trong khoảng thời gian từ 8 giờ các ngày 25, 26, 27.3.
Tuy nhiên, tại buổi họp rà soát tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân đã kết luận, chỉ đạo tạm hoãn tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất. Thời gian cụ thể tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với 58 hộ dân sẽ được Q.Thanh Xuân thông báo sau.
Chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cũng chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng Q.Thanh Xuân, UBND P.Thanh Xuân Trung và các phòng, ban, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tổng hợp hồ sơ, căn cứ thực hiện dự án để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định.
Được biết, nhiều hộ dân ở tổ 14 đã có đơn khởi kiện UBND TP.Hà Nội, UBND Q.Thanh Xuân và UBND P.Thanh Xuân Trung ra tòa, đề nghị tuyên hủy Quyết định số 1185/QĐ-UBND ngày 26.3.1997 của TP.Hà Nội về việc giao cho Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội (BQL) sử dụng hơn 26.700 m2 đất tại khu vực gò Đống Thây để quản lý và bảo tồn.
Trong đơn khởi kiện, người dân cho rằng Quyết định số 1185/QĐ-UBND được ban hành trái luật và không có giá trị thực hiện. Do đó, tất cả các quyết định hành chính sau này được ban hành dựa trên Quyết định số 1185/QĐ-UBND cũng trái luật.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Q.Thanh Xuân cho biết đã nắm được việc các hộ dân khởi kiện các cấp chính quyền đến TAND TP.Hà Nội. "Quận cũng rất mong tòa sớm xử vụ án hành chính này. Tuy nhiên, việc tiến hành cưỡng chế vẫn sẽ được tiến hành dù vụ việc bị khởi kiện ra tòa", vị cán bộ cho biết thêm.
Như Thanh Niên đã đưa tin, hồi tháng 1 vừa qua, rất đông người dân đã treo băng rôn khắp mọi ngả đường quanh khu di tích lịch sử gò Đống Thây nhằm phản đối chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích do UBND Q.Thanh Xuân thực hiện.
Qua tìm hiểu, năm 1997 khi ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UB, giao BQL sử dụng hơn 26.700 m2 đất tại khu vực gò Đống Thây để quản lý và bảo tồn. BQL có trách nhiệm phối hợp với UBND Q.Thanh Xuân lập hội đồng giải phóng mặt bằng, đền bù thiệt hại về đất đai, tài sản cho người sử dụng bị thu hồi theo quy định. Tuy nhiên sau đó, việc giải phóng mặt bằng không được cơ quan chức năng tiến hành.
Năm 2010, UBND TP.Hà Nội lại có Văn bản số 862/UBND-KHDT giao UBND Q.Thanh Xuân làm chủ đầu tư lập và thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo gò Đống Thây. Đáng chú ý, ở thời điểm này, diện tích đất phục vụ thực hiện dự án khoanh vùng chỉ còn hơn 15.000 m2.
Hơn 11.700 m2 còn lại đã được cấp cho đơn vị quân đội, dùng để xây trụ sở UBND P.Thanh Xuân Trung và giao đất cho gia đình ông N.P.Q và N.G.H… Mãi đến năm 2018, UBND Q.Thanh Xuân mới phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây, với tổng mức đầu tư hơn 234 tỉ đồng.
Cho rằng việc giao đất vào năm 1997 theo Quyết định số 1185/QĐ-UB chưa được thực hiện đúng quy định của pháp luật nên hàng chục hộ dân tiếp tục phản đối các văn bản pháp lý được ban hành sau đó để phục vụ quá trình đầu tư dự án tu bổ di tích gò Đống Thây.
Bình luận (0)