'Lùm xùm' dự án tu bổ di tích gò Đống Thây

15/01/2024 07:37 GMT+7

Cho rằng trình tự, thủ tục đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây (Tổ 4, P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có dấu hiệu trái luật, hàng chục hộ dân ở Q.Thanh Xuân đã kịch liệt phản đối. Nhiều năm trôi qua, dự án vẫn chưa được thực hiện.

Căn cứ pháp lý có dấu hiệu trái luật

Thời gian gần đây, băng rôn được treo khắp mọi ngả đường quanh khu di tích lịch sử gò Đống Thây nhằm phản đối chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích do UBND Q.Thanh Xuân thực hiện.

'Lùm xùm' dự án tu bổ di tích gò Đống Thây- Ảnh 1.

Đền thờ trong khu vực di tích lịch sử gò Đống Thây

NGUYỄN TRƯỜNG

Nhiều người dân địa phương cho biết, từ những năm 1970 - 1980, rất nhiều hộ dân đã sinh sống ở khu vực này. Đến năm 1990, di tích gò Đống Thây được công nhận là di tích lịch sử. Trong suốt mấy chục năm qua, cuộc sống của người dân vẫn ổn định, không xảy ra tranh chấp đất đai. Quá trình sử dụng đất, xây dựng các công trình trên đất, các gia đình không bị cơ quan có thẩm quyền nào xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Đến năm 1997, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UB giao Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội (BQL) sử dụng hơn 26.700 m2 đất tại khu vực gò Đống Thây để quản lý và bảo tồn.

"Theo quy định của luật Đất đai năm 1993, muốn giao đất đang có chủ sử dụng cho người khác thì cơ quan có thẩm quyền phải có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, UBND TP.Hà Nội không có quyết định thu hồi đất mà ban hành quyết định giao đất cho BQL là có dấu hiệu trái với điều 19 của luật này và Nghị định số 88 của Chính phủ, ban hành ngày 17.8.1994", một người dân phân tích.

Qua tìm hiểu của Thanh Niên, năm 1997 khi ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UB, giao Ban BQL sử dụng hơn 26.700 m2 đất tại khu vực gò Đống Thây để quản lý và bảo tồn, UBND TP.Hà Nội cũng giao BQL có trách nhiệm phối hợp với UBND Q.Thanh Xuân lập hội đồng giải phóng mặt bằng, đền bù thiệt hại về đất đai, tài sản cho người sử dụng bị thu hồi theo quy định. Tuy nhiên sau đó, việc giải phóng mặt bằng không được cơ quan chức năng tiến hành.

Năm 2010, UBND TP.Hà Nội lại có Văn bản số 862/UBND-KHDT giao UBND Q.Thanh Xuân làm chủ đầu tư lập và thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo gò Đống Thây. Đáng chú ý, ở thời điểm này, diện tích đất phục vụ thực hiện dự án khoanh vùng chỉ còn hơn 15.000 m2.

Hơn 11.700 m2 còn lại đã được cấp cho đơn vị quân đội, dùng để xây trụ sở UBND P.Thanh Xuân Trung và giao đất cho gia đình ông N.P.Q và N.G.H… Mãi đến năm 2018, UBND Q.Thanh Xuân mới phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây, với tổng mức đầu tư hơn 234 tỉ đồng.

Cho rằng việc giao đất vào năm 1997 theo Quyết định số 1185/QĐ-UB chưa được thực hiện đúng quy định của pháp luật nên hàng chục hộ dân ở Tổ 4 đã tiếp tục phản đối các văn bản pháp lý được ban hành sau đó để phục vụ quá trình đầu tư dự án tu bổ di tích gò Đống Thây.

Chắc chắn tiến hành cưỡng chế sau tết Nguyên đán

Là gia đình thuộc diện cưỡng chế để phục vụ dự án, bà Trần Kim Tuyến (49 tuổi, trú Tổ 4) cho biết, gia đình bà cũng như các hộ dân sinh sống hàng chục năm quanh khu vực gò Đống Thây luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, việc tiến hành đầu tư dự án phải đảm bảo đúng trình tự của pháp luật, không thể căn cứ vào quyết định có dấu hiệu trái luật.

"Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền tuyên hủy các quyết định đã ban hành và tiến hành các thủ tục đầu tư theo đúng quy định, trình tự của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho gia đình cũng như hàng chục hộ dân thuộc diện cưỡng chế, thu hồi đất phục vụ dự án này", bà Tuyến bày tỏ.

Khi báo chí đặt câu hỏi vì sao UBND TP.Hà Nội tự ý điều chỉnh quy hoạch và cấp hơn 11.700 m2 đất di tích cho các đơn vị dù chưa có sự đồng ý của Bộ VH-TT-DL (đơn vị ban hành quyết định xếp hạng di tích gò Đống Thây là di tích lịch sử - PV) thì UBND Q.Thanh Xuân cho biết nội dung này không thuộc thẩm quyền của quận. Tuy nhiên, theo tài liệu mà Q.Thanh Xuân đang lưu giữ, thành phố đã ban hành 3 văn bản có nội dung giao đất cho cá nhân, cơ quan.

Mới đây, trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Q.Thanh Xuân cho biết, dự án sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 sẽ tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình trong phạm vi diện tích khoảng 8.700 m2. Để phục vụ giai đoạn 1, quận sẽ ban hành quyết định cưỡng chế 58 trường hợp. "Kế hoạch cưỡng chế quận đang xây dựng; khi tiến hành cưỡng chế sẽ thông báo cụ thể đến người dân và chắc chắn diễn ra sau tết Nguyên đán", vị cán bộ cho biết thêm.

Liên quan đến nội dung người dân cho rằng việc bồi thường cần thỏa đáng, vị cán bộ Q.Thanh Xuân cho biết việc bồi thường đã được cơ quan chức năng tiến hành đúng theo trình tự pháp luật.

Khu vực gò Đống Thây xưa thuộc cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục, có tên nôm là Kẻ Mọc gồm 12 làng, sau này còn có tên chữ là Nhân Mục. Cuối năm 1426, trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) khỏi ách đô hộ của quân Minh, nghĩa quân Lam Sơn (Thanh Hóa) của Lê Lợi đã có những trận đánh mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục, tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây.

Sau hai trận đánh oanh liệt đó, khu đất tại khu vực này được nhân dân địa phương gọi là gò Thất Tinh hay khu mả Thất Tinh và dần trở thành cái tên thông dụng gò Đống Thây như ngày nay (thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò). Do những giá trị đặc biệt này nên di tích gò Đống Thây đã được công nhận là di tích lịch sử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.