Chùa Cây Mít

12/07/2013 10:14 GMT+7

Hơn 160 năm qua, chùa Cây Mít (tọa lạc tại ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên) là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của tỉnh An Giang.

 Chùa Cây Mít 1
Chùa Cây Mít được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia - Ảnh: Thanh Tùng

Nơi cụ Phó bảng dừng chân

Nằm bên con đường rợp bóng cây, chùa Cây Mít (còn có tên là chùa Hòa Thạnh) hiện có 3 gian: chánh điện, nhà tổ, hậu tổ. Bước vào khuôn viên chùa, chúng tôi thực sự cảm nhận được không gian yên tịnh nơi đây. Đại đức Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Cây Mít, cho biết chùa do tổ sư Tiên Giác (tức hòa thượng Thích Hải Tịnh) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19. Ngày trước, hòa thượng Thích Hải Tịnh đến núi Sam, ở lại chùa Tây An tu một thời gian, rồi ngao du đến vùng Bảy Núi. Khoảng năm 1850, hòa thượng Thích Hải Tịnh dừng chân tại ấp Tây Hưng (xã Nhơn Hưng) xây dựng chùa Cây Mít với mục đích truyền giáo lý Phật pháp để răn dạy chúng sinh ăn ở hiền lành. Sau đó, hòa thượng tiếp tục đi giáo hóa nơi khác. Trong thời gian này, chùa Cây Mít không có người trông coi, các vị bổn đạo của chùa mới thỉnh hòa thượng Thích Viên Minh về làm trụ trì. Đến năm 1921, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến chùa Cây Mít để bốc thuốc và truyền bá tư tưởng cách mạng trong 2 năm. Còn hòa thượng Thích Hải Tịnh sau đó trở lại chùa và tu hành cho đến hết cuộc đời.

Theo Đại đức Thích Thiện Chiếu, kể từ sơ khởi xây dựng đến nay, ngôi chùa Cây Mít đã hơn 160 tuổi. Điều ông tự hào nhất là ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính, có các pho tượng Phật bằng gỗ quý của chùa… hầu như còn nguyên vẹn. Năm 1993, chùa Cây Mít đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bộ tượng gỗ quý

Nhiều vị cao niên trong làng kể lại ngày xưa, nơi đây toàn rừng rậm, cây cối mọc um tùm, trong đó có rất nhiều cây mít lâu năm. Thấy vậy, các vị sư mới dùng gỗ mít xây chùa và có thể tên gọi “chùa Cây Mít” có từ dạo ấy. “Ngôi chùa từng bị hỏa hoạn thiêu rụi, nhưng các phật tử cùng người dân đã kịp khiêng các pho tượng ra khỏi chùa, nên bộ tượng mới được giữ gìn đến ngày nay. Riêng, pho tượng Ngọc Hoàng thì bị cháy nám, tới nay còn dấu tích để lại”, Đại đức Thích Thiện Chiếu kể.

 Chùa Cây Mít 2
Nhìn bề ngoài khó nhận ra các bức tượng được làm bằng gỗ - Ảnh: Thanh Tùng

Thoạt đầu, nhìn bề ngoài, các pho tượng được sơn phết giống hệt những bức tượng thạch cao. Nhưng khi lại gần, dùng ngón tay gõ vào mới biết các pho tượng làm bằng gỗ. Đại đức Thích Thiện Chiếu cho biết: “Hồi đó làm gì có dụng cụ, máy móc như bây giờ, các pho tượng đều được chạm khắc bằng tay. Hôm rồi, có một số tượng bị tróc nước sơn, chúng tôi dùng máy khoan thử thì thấy tượng không phải làm bằng gỗ mít mà có thể là gỗ giáng hương”. Theo các nhà điêu khắc, giáng hương là loại gỗ quý, hiện còn lại rất ít ở vùng Bảy Núi. Nếu thực sự những pho tượng này được chạm từ gỗ giáng hương thì càng làm tăng giá trị của ngôi chùa... 

Ông Nguyễn Hữu Trí, một thợ vẽ ở núi Sam, tâm sự: “Vào nghề sơn vẽ tượng phật hơn 30 năm và đi không biết bao nhiêu kiểng chùa, tôi mới thấy chùa Cây Mít sở hữu những bức tượng gỗ quý như vậy. Với một pho tượng phật như thế này, nghệ nhân phải đục đẽo mất ít nhất 3 - 4 tháng. Các pho tượng này đều được chạm khắc khéo léo, tinh xảo khiến lớp hậu bối phải tâm phục, khẩu phục trước tài nghệ của người xưa”.

Mới đây, chùa Cây Mít vừa được trùng tu, xây dựng thêm khu Long Hoa Cát và hồ Phật Bà, với tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng do các phật tử đóng góp. Tuy nhiên, đường vào chùa Cây Mít vẫn rất khó đi; chùa thiếu hàng rào ngăn cách với nhà dân nên đôi khi làm mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh của nơi thờ tự. Ngoài ra, chùa cũng chưa có giảng đường, nhà khách, phòng tăng... Đại đức Thích Thiện Chiếu bày tỏ: “Nguyện vọng của nhà chùa là xây dựng được ngôi Tam Bảo để phật tử, đồng bào thập phương đến lễ bái tu tập, gieo duyên với Phật pháp, đồng thời để tạo thuận duyên cho chúng tôi làm phật sự, hoằng pháp độ sanh…”.

Thanh Tùng

>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn: Ẩn trong chùa chiền
>> Chùa phục vụ cơm chay và nước uống miễn phí
>> Thí sinh "gửi" ước nguyện kín cả chuông chùa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.