Theo Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn TP đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với tỷ lệ chung của cả nước cũng như chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là “ít nhất 80% trẻ em dưới 18 tuổi được tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19” thì kết quả tiêm của Hà Nội vẫn còn rất thấp. Chưa đến 60% trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản (đến ngày 26.12.2022).
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh lớp 5 Trường THCS Phúc Diễn (Hà Nội) |
Đậu Tiến Đạt |
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng y tế phối hợp phòng giáo dục, trung tâm y tế tiếp tục rà soát đối tượng trẻ em từ 5 tuổi trở lên; vận động, tuyên truyền cho cha mẹ, người giám hộ trẻ tiếp tục hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng; đảm bảo bao phủ đủ 2 liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời, sử dụng hết số lượng vắc xin được phân bổ, không thực hiện điều chuyển vắc xin khi vẫn còn đối tượng tiêm chủng và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.
Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục đôn đốc các trường tăng cường truyền thông cho học sinh, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm và trách nhiệm đảm bảo quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận; vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, kịp thời các liều cơ bản (mũi 1, 2) cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trước đó, Bộ Y tế cho biết hiện chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại VN, tuy nhiên có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại VN.
Thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch, những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại. Do đó, việc tiêm vắc xin hiện vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)