>> Quốc phòng lao đao vì dân số già
>> Năm 2014, Việt Nam sẽ là nước có dân số già
Thậm chí, theo ILO, giai đoạn từ năm 2020 - 2050, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có độ tuổi trung bình của dân số tăng nhanh nhất châu Á.
Tại một hội nghị ở Singapore vào giữa tháng 8 vừa qua, Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo) đã báo cáo đề tài "Cải cách trước nguy cơ chưa giàu đã già: Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian nhìn từ cơ cấu dân số”. Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, thông thường sự thay đổi dân số của một nước có bốn giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thứ 3 có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động (15-65 tuổi) rất cao, còn tỷ lệ số người sống phụ thuộc thấp vì tỷ lệ dân số trẻ (0-14 tuổi) thấp, và tỷ lệ của người già (trên 65 tuổi) cũng chưa cao. Đây là giai đoạn lý tưởng để kinh tế phát triển, còn được gọi đó là “cơ cấu dân số vàng”. GS Trần Văn Thọ cũng trích dự báo của LHQ và tính toán dân số VN đạt đỉnh cao khoảng 105 triệu vào năm 2040, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu tăng vào khoảng năm 1970 (độ 51%), đạt đỉnh cao (71%) khoảng 2015-2020. Ngoài ra, tỷ lệ của dân số sống phụ thuộc trên dân số lao động bắt đầu giảm cũng từ khoảng năm 1970 và đến điểm đáy trong khoảng 2015 - 2020, từ khoảng năm 2020 thì tăng trở lại. Do đó, theo ông, giai đoạn dân số vàng của VN là từ khoảng năm 1970 đến 2020 (50 năm).
Với các nước, đây là giai đoạn cần tận dụng lợi thế nguồn lực lao động để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, đồng thời dần chuyển sang giai đoạn giảm thiểu sự lệ thuộc vào lực lượng dân số trẻ. Mặt khác, việc thúc đẩy kinh tế phát triển còn nhằm tạo ra thặng dư, đảm bảo cho các chính sách an sinh xã hội cho giai đoạn chịu sức ép về dân số già. Nếu không, đất nước rất dễ rơi vào tình cảnh “chưa giàu đã già”.
Trong khi đó, Việt Nam chỉ mới vượt ngưỡng thu nhập trung bình và nền kinh tế bị cho là vẫn lệ thuộc nhiều vào ưu thế nguồn lực lao động trẻ. Cho nên, thách thức trong những thập niên tiếp theo không chỉ gánh nặng phúc lợi xã hội mà còn là hạn chế về khả năng phát triển kinh tế. Theo các số liệu trên, thời kỳ cơ cấu dân số vàng còn lại của Việt Nam đang rất ngắn ngủi. Vì thế, đề xuất của ILO về việc kéo dài độ tuổi lao động thêm 5 năm cũng chỉ giải quyết được một phần thách thức về nguy cơ thâm hụt, cạn kiệt quỹ bảo hiểm hưu trí. Vì vậy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại, Việt Nam phải nhanh chóng cải cách toàn diện, gấp rút hiện đại hóa nền kinh tế, phát triển công nghệ để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn lao động trẻ để hạn chế phần nào hệ lụy “chưa giàu đã già”.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)