Đại biểu Quốc hội:

'Chưa nước nào quan hệ giữa các ngân hàng lại gần như Việt Nam'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/06/2023 18:22 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên - Huế) nêu thực trạng trên hệ thống ngân hàng hiện nay, sau ngân hàng A là thấy bóng dáng ngân hàng A' hoặc doanh nghiệp B - phần lớn là doanh nghiệp bất động sản… và nhận xét "có lẽ chưa có nước nào mà quan hệ giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng lại gần như tại Việt Nam".

Chiều 5.6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, dẫn sự việc tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa qua, cho biết Nhà nước đã phải dùng các nguồn lực hỗ trợ để khắc phục, đảm bảo hệ thống ngân hàng.

'Chưa nước nào quan hệ giữa các ngân hàng lại gần như Việt Nam' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội

GIA HÂN

Ông Nam nêu quan điểm ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, phải đáp ứng quản trị hiện đại, công khai, minh bạch. Tại dự thảo luật lần này đã đưa ra quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn từ 5% xuống 3% nhằm hạn chế cổ đông lớn chi phối, hay nói cách khác là thao túng các ngân hàng.

"Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc giảm từ 5% xuống 3% đã đủ khắc phục thực trạng nói trên hay chưa?", ông Nam nêu vấn đề, và cho rằng, thực tế có nhiều hình thức và kỹ thuật để "lách luật" như một người chỉ nắm giữ lượng cổ phần nhỏ nhưng có thể tiếp nhận 9 - 10% cổ phần được ủy quyền từ các cổ đông khác…

"Theo tôi, cần có chính sách thế nào đó khắc phục tình trạng này rõ hơn, triệt để hơn", ông Nam nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Hải Nam: Chưa nước nào quan hệ giữa các ngân hàng lại gần như Việt Nam

Đại biểu Nam cũng đề cập tới tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và công ty tài chính. Ông nêu thực tế có hiện tượng "lách luật" tỷ lệ sở hữu, hạn mức tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp hay lĩnh vực nào đó thông qua "vốn bật tường", từ ngân hàng A sang ngân hàng B hoặc công ty tài chính A sang công ty tài chính B.

"Quy định của luật đã đủ để khắc phục tình trạng này, để khắc phục tình trạng sở hữu chéo hay chưa?", ông nêu vấn đề.

Ông Nam kể lại kinh nghiệm nước Ý để khắc phục tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng thời kỳ 1990, đó là đẩy mạnh cổ phần hóa nhằm tăng quản trị hiện đại, cải tổ hệ thống pháp lý.

Cho rằng sở hữu chéo ngân hàng là lực cản với năng lực cạnh tranh sòng phẳng, công bằng và phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng, theo ông Nam, "cần biện pháp xử lý căn cơ hơn".

'Chưa nước nào quan hệ giữa các ngân hàng lại gần như Việt Nam' - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ

GIA HÂN

Ông Nam nêu thực trạng trên hệ thống ngân hàng hiện nay, sau ngân hàng A là thấy bóng dáng ngân hàng A' hoặc doanh nghiệp B - phần lớn là doanh nghiệp bất động sản… "Có lẽ chưa có nước nào mà quan hệ giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng lại gần như thế", ông Nam nói và cho rằng, việc này tiềm ẩn sự thao túng, sở hữu chéo.

Từ đó, ông Nam kiến nghị hai biện pháp khi sửa luật là tăng trách nhiệm cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Theo đó, có thể tham khảo cách làm là cho cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có chức năng điều tra chống gian lận tài chính, gian lận trong sở hữu tỷ lệ cổ phần của cổ đông lớn ngân hàng, tương tự như chức năng của ngành hải quan hay kiểm lâm trong phòng, chống vi phạm trong các lĩnh vực của họ…

Về nợ xấu của các ngân hàng, theo đại biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế, đang tăng trong hệ thống. Ông cho hay, trong Nghị quyết 42 năm 2017 sau thời gian thực thi cũng gặp vướng mắc liên quan tới bán, tịch thu tài sản đảm bảo do vênh các luật khác.

Ông cho rằng, Nghị quyết 42 chỉ nên thực hiện trong thời hạn nhất định, do đó, khi đưa một số nội dung của nghị quyết này vào dự thảo luật thì cần cẩn trọng.

Về xử lý ngân hàng yếu kém, dự thảo đưa ra quy định về can thiệp sớm và cho vay đặc biệt lãi suất ưu đãi 0%. Theo ông Nam, cần cân nhắc căn cứ cho vay đặc biệt; thẩm quyền cơ quan nào, bộ phận nào, đến đâu, như thế nào để bảo vệ cán bộ, để sau này có thể bảo vệ chính cán bộ cho phép thực hiện; cùng đó, cần quy định về thời điểm xem xét cho vay đặc biệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.