Sáng 3.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, TP. Chỉ trong 5 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức hơn 700 cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại. Lần đầu tiên, Chính phủ tổ chức 26 tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt khó khăn, ghi nhận trên 1.000 kiến nghị.
Đầu tàu kinh tế TP.HCM khởi sắc
Báo cáo gửi Chính phủ, Bộ KH-ÐT cho biết trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, ở trong nước nhiều chính sách chỉ đạo kịp thời đã giúp kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Nhiều tín hiệu tích cực của kinh tế trong tháng 5 giúp tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý 2. Ðặc biệt, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế VN như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo 2023 - 2024 kinh tế VN tăng trưởng lần lượt 6,5% và 6,6%; Ngân hàng (NH) Phát triển châu Á (ADB) dự báo 6,5% và 6,8%.
Tuy nhiên, Bộ KH-ÐT cũng đánh giá nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường. "Ðây là vấn đề chung của các quốc gia, các nền kinh tế đang phải đối mặt, không thể có chuyển biến rõ rệt ngay trong một sớm, một chiều, nhất là khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tăng cao", Bộ trưởng Bộ KH-ÐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều tỉnh, TP cho biết nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế sau những nỗ lực của Chính phủ trong tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đầu tư, kinh doanh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (DN)… Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhiều lĩnh vực kinh tế của TP khởi sắc như doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng, sản xuất công nghiệp xây dựng thoát âm... Ðây là những yếu tố giúp kinh tế TP.HCM vượt lên trong quý 2, dự kiến tăng 5,87%. Tuy nhiên, ông Mãi cũng chỉ rõ DN còn nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng, thủ tục, phòng cháy, chữa cháy. Số DN thành lập mới có tăng nhưng quy mô vốn giảm. Các thị trường bất động sản, trái phiếu phục hồi nhưng chưa mạnh… Ông đề xuất cần củng cố, nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Lãi suất sẽ tiếp tục giảm
Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát và giảm dần. Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư FDI bằng các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.
Thủ tướng cũng giao NH Nhà nước (NHNN) tiếp tục triển khai các giải pháp giảm chi phí, lãi suất (LS) cho vay (cả vay cũ và vay mới); tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên; tập trung xử lý các NH yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu; thúc đẩy các gói tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Tài chính triển khai hiệu quả chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) nếu được Quốc hội thông qua; chuẩn bị chính sách bổ sung miễn, giảm thuế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN. Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy dự án sân bay Long Thành, nếu không hoàn thành công việc thì thay người có trách nhiệm. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo vấn đề này…
Thông tin thêm về room tín dụng, giảm LS tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều 3.6, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN, cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung năm nay là khoảng 14 - 15% và đã phân bổ hợp lý cho các NH. Hết tháng 5, tín dụng của nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỉ đồng (mức tăng khoảng trên 3,17% so với cuối năm 2022).
Trong đó, thị phần tín dụng của các NH thương mại (NHTM) vốn nhà nước chiếm khoảng 44%, nhưng tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức được giao. Nhóm NHTM cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng, hiện tăng trưởng mới đạt khoảng một nửa mức được giao. "Hai nhóm này chiếm thị phần tín dụng chính nhưng chưa tăng trưởng hết mức được NHNN giao nên chưa thể nói là đã hết room tín dụng", ông Hà nói.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định từ tháng 3 - 5 vừa qua đã có nhiều động thái điều hành giảm LS. LS cho vay của các khoản vay mới bình quân là 9,07% (giảm 0,9% so với cuối năm 2022) và sẽ tiếp tục giảm thời gian tới. Với các khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ nên NHNN đã ban hành Thông tư 02 cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Ðối với dư nợ mới, NHNN yêu cầu các NH tiếp tục tích cực cho vay nên DN, khách hàng nếu đủ điều kiện sẽ tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng.
"Nếu không có sự cố sẽ khắc phục được thiếu điện"
Cũng tại họp báo, liên quan tới vấn đề thiếu điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Ðỗ Thắng Hải cho hay một số nơi hiện nay đang thiếu điện cho sản xuất cũng như đời sống của người dân. "Thay mặt Bộ Công thương, tôi xin chia sẻ khó khăn của một số DN cũng như sự bất tiện, nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt, trong cuộc sống hằng ngày, nhưng đây chỉ là trong một thời gian nhất định thôi", ông Hải nói.
Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện. Theo đó, khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện, khẩn trương hoàn tất đàm phán với chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời. Hiện đã có 55/63 UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện tiết kiệm điện, kết quả tiết kiệm được khoảng 20 triệu kWh/ngày (tương đương khoảng 2,5% điện năng tiêu thụ hằng ngày).
Ðể ứng phó với tình hình khó khăn trong cung cấp điện thời gian cao điểm nắng nóng năm nay, Chính phủ, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương, quyết liệt thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng đủ điện.
"Thời gian tới, với quy mô tổng công suất đặt đạt 81.504 MW, trong khi nhu cầu phụ tải cao nhất là hơn 44.000 MW, nếu đảm bảo các tổ máy không gặp sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ, điều tiết nước các hồ hợp lý thì chúng ta có thể khắc phục vấn đề thiếu điện; đảm bảo điện cho đời sống người dân, sản xuất của người dân và DN", ông Hải nêu.
Buôn bán ma túy qua đường hàng không gia tăng
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết gần 6 tháng qua, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố trên 13.000 vụ án có liên quan đến ma túy, với trên 20.000 đối tượng, thu giữ trên 14.225 kg heroin, 4.023 kg ma túy tổng hợp, 982.039 viên ma túy tổng hợp và 210 kg cần sa. Trong đó, nổi lên tình trạng người nước ngoài lợi dụng tuyến hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy tại một số sân bay của VN. Các đối tượng nhập cảnh, quá cảnh để đưa ma túy vào VN tiêu thụ hoặc đưa sang nước thứ 3. Điển hình như vụ tiếp viên hàng không xách tay ma túy, Bộ Công an đã bắt giữ khoảng 200 đối tượng liên quan.
Hiện đã ngăn chặn nguồn cung ma túy nhưng quan trọng nhất phải giảm nguồn cầu, giảm số người sử dụng, nghiện ma túy. Tính đến ngày 15.3, tổng số người nghiện và sử dụng ma túy ở nước ta là 233.906 người, trong đó người nghiện là 184.427 và người sử dụng trái phép chất ma túy là 49.479, giảm 8.043 người so với thời điểm 15.12.2022.
Chấn chỉnh "cò mồi" lợi dụng chính sách nhà ở xã hội
Tại cuộc họp báo chiều 3.6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết có phản ánh hiện tượng một số đối tượng trung gian, cò mồi lợi dụng chính sách nhà ở xã hội để mua bán trục lợi. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản đến một số địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…), yêu cầu UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra, làm rõ các thông tin tiêu cực mà các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh; xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền và gửi báo cáo kết quả giải quyết về Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, từng bước chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội.
Bình luận (0)