Lãi vay phổ biến khoảng 13%
Sáng 23.5, trong vai người đi vay mua nhà tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) trên địa bàn Q.3, TP.HCM, nam nhân viên tín dụng tên Th. cho biết: Lãi suất cho vay kinh doanh bất động sản từ 13 - 14%/năm. Th. lý giải lãi suất vay cao là do lĩnh vực kinh doanh bất động sản được đánh giá rủi ro. Thế nhưng, sau khi chúng tôi cung cấp thông tin về tình hình tài chính, nhu cầu vay khoảng 1 tỉ đồng, thời gian vay khoảng 5 năm thì Th. chuyển hướng tư vấn sang làm hồ sơ vay tiêu dùng với mức lãi suất vay thấp hơn, vào khoảng 11 - 12%/năm. Cùng mục đích vay, lãi suất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lên 15,5%/năm.
Còn tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) trên địa bàn TP.HCM, nữ nhân viên tín dụng tên T. tư vấn gói tín dụng 2.000 tỉ đồng mua bất động sản, lãi suất 0,75%/tháng (tức 9%/năm), thời gian vay 25 năm. Theo T., lãi suất cho vay này ưu đãi trong thời gian 12 tháng, khi hết thời hạn ưu đãi, lãi suất sẽ được tính phụ thuộc vào lãi suất trên thị trường cộng với biên độ 4%. Đơn cử, hiện nay tính theo cách này, lãi vào khoảng 13,75%/năm. Gói 2.000 tỉ đồng cho vay bất động sản triển khai đến cuối năm nhưng nếu giải ngân hết thì tùy theo tình hình thị trường sẽ có mức lãi suất vay như thế nào.
Theo như chia sẻ của T., lượng khách hàng cá nhân đến hỏi vay mua nhà tại ngân hàng hiện nay thấp nên nếu hồ sơ làm sớm khả năng gói tín dụng chưa giải ngân hết. Ngân hàng chỉ nhận tài sản thế chấp có giấy tờ đầy đủ. Đối với những căn hộ chung cư chưa có sổ, khách hàng vay đưa tài sản thế chấp khác có đầy đủ giấy tờ mới được vay.
Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà hiện nhỉnh hơn so với trước. Ngân hàng Shinhan Bank điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhà thêm 0,2 - 0,5%/năm ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất cho vay cố định 6 tháng đầu ở mức 8,99%/năm, 10,5%/năm trong 54 tháng còn lại. Hoặc chọn cố định 1 năm có lãi suất vay 9,8%/năm; cố định 2 năm với lãi suất 10%/năm; cố định 3 năm lãi suất 10,1%/năm.
Nhiều ngân hàng cũng triển khai các chương trình cho vay với lãi suất cố định từ đầu năm. Chẳng hạn, BIDV dành 100.000 tỉ đồng cho cá nhân vay tiêu dùng, mua ô tô, sản xuất kinh doanh với lãi suất 9,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên, hay 10%/năm cố định trong 18 tháng.
Thận trọng với lãi vay ưu đãi
Thế nhưng, lãi suất cho vay ưu thường với thời gian ngắn, trong khi thời gian vay kéo dài nên khi vay, khách hàng cần lưu ý cách tính lãi vay của ngân hàng, tính toán để tránh bị áp lực quá mức về sau.
Chị Kim Anh (Q.10, TP.HCM) cho biết, cách đây 5 năm chị vay ngân hàng 3,7 tỉ đồng mua nhà, lãi suất 8%/năm. Thời gian vay ưu đãi kéo dài được một năm, sau đó ngân hàng điều chỉnh lại lãi suất thả nổi theo công thức lãi suất cơ sở cộng với biên độ (hợp đồng của chị Kim Anh là 3,4%) khiến lãi vay tăng vọt, gần 50% với lãi vay ban đầu. Nay trả được 1/3 số tiền vay, dư nợ còn khoảng 2,3 tỉ đồng, ngân hàng tính lãi suất khoảng 13%/năm nên tiền gốc và lãi phải trả cũng bằng thời điểm vay ban đầu. Mỗi tháng, số tiền trả cho ngân hàng khoảng 45 triệu đồng.
Có kinh nghiệm xương máu, chị Kim Anh khuyến cáo, đừng nhìn nhiều vào lãi suất vay ưu đãi thời gian đầu mà quyết định chọn ngân hàng vay. Nhiều khi lãi suất vay ưu đãi chỉ 6 tháng hay 12 tháng, nhưng thời gian vay lên đến 20 - 30 năm. Nếu không xem kỹ cách tính lãi vay của ngân hàng thì khoảng thời gian sau chịu lãi vay lớn. Đó là chưa kể, ngân hàng quy định, nếu khách trả lãi trước hạn trong 4 năm đầu, lãi phạt sẽ từ 1 - 3% trên số tiền trả nợ trước hạn.
Trước tình hình giá nhà đất hiện nay giảm, cơ hội mua nhà của người dân tăng lên. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay khó có thể giảm. Theo giám đốc khách hàng cá nhân ngân hàng cổ phần, lãi suất mua nhà ở xã hội gói 120.000 tỉ đồng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã ở mức 8,2%/năm thì lãi vay nhà ở thương mại tạo mức chặn sàn ở mức này. Thêm vào đó, hậu quả cuộc đua lãi suất huy động mức cao vào đầu năm phải "tiêu hóa" đầu ra cao. Đây cũng là lời giải cho việc lãi suất huy động hiện nay dù còn 4,5 - 8%/năm, nhưng lãi vay lên gần gấp đôi, đến 9 - 15%/năm.
Bình luận (0)