Dư luận nghi ngờ số liệu lạm phát, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói 'hoàn toàn tin cậy'

Mai Hà
Mai Hà
28/05/2023 22:21 GMT+7

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, người dân hiểu lạm phát đánh thẳng vào nồi cơm của gia đình, đánh thẳng vào túi tiền; nên rất quan tâm đến vấn đề làm sao kiểm soát lạm phát. Vì lạm phát gia tăng, cuộc sống bị đảo lộn.

Chia sẻ tại tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 28.5, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong quá khứ, chúng ta cũng từng chứng kiến những lúc phải gánh chịu hậu quả của lạm phát cao như những năm 80, 90 của thế kỷ trước hay là giai đoạn 2008 - 2011 do khủng hoảng kinh tế thế giới. 

Dư luận nghi ngờ số liệu lạm phát, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói 'hoàn toàn tin cậy' - Ảnh 1.

Các khách mời tham dự tọa đàm chiều 28.5

VGP

Theo ông Phương, sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực để khắc phục được hậu quả, cũng như là quay trở lại trạng thái phát triển kinh tế tốt. Hậu quả để lại rất nặng nề, tăng trưởng bị suy giảm, thậm chí là suy thoái, cho đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, rồi thất nghiệp, đói nghèo, kể cả việc phá hoạt tài nguyên môi trường. 

"Người dân hiểu được rằng lạm phát đánh thẳng vào nồi cơm của gia đình họ, đánh thẳng vào túi tiền của họ. Do vậy, họ rất quan tâm đến vấn đề làm sao kiểm soát lạm phát, vì một khi lạm phát gia tăng, câu chuyện cuộc sống bị đảo lộn, chi tiêu, chi phí tăng lên rất nhiều và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống", Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nêu.

Cho rằng kết quả kiểm soát lạm phát thời gian qua rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong chính sách điều hành kiểm soát giá, song theo ông Phương, "vẫn có dư luận cho rằng với kết quả làm tốt như vậy thì liệu có phải do câu chuyện số liệu của chúng ta hay không?" 

Dưới góc độ lãnh đạo Bộ KH-ĐT với cơ quan trực thuộc là Tổng cục Thống kê, ông Phương khẳng định "số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam chúng ta là hoàn toàn đáng tin cậy và được quốc tế đánh giá".

"Cơ thể yếu thì thuốc bổ cũng không hồi phục được"

Đánh giá việc kiềm chế lạm phát thời gian qua tốt, song theo GS-TS. Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế quốc dân, quan tâm kiểm soát lạm phát phải đi đôi với hạn chế nguồn lực bơm ra thị trường, ví dụ như tiền tệ. 

"Nếu chúng ta quá lo ngại lạm phát, tiếp tục thắt chặt đồng tiền, hạn chế cung vốn cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp không có nguồn lực để sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, áp lực lạm phát thế giới vào Việt Nam ít nhưng áp lực suy thoái thì cao hơn, đáng lo ngại hơn. Nếu chúng ta không hành động sớm, chờ lúc suy thoái rồi mới bơm tiền vào cứu trợ thì khó phục hồi. "Cơ thể" mà quá yếu thì thêm thuốc bổ cũng không phục hồi được".

Ông Cường cũng dẫn số liệu trên báo về khảo sát 10.000 doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp khó khăn và phải cắt giảm lao động là trên 80%, khoảng hơn 20% phải cắt giảm 1 nửa, hơn 50% rất cần hỗ trợ về vốn. Thị trường đang khó, nguồn vốn ứ đọng nếu không bán được hàng.

Chuyên gia này khuyến nghị, nếu chờ phục hồi rồi mới sản xuất là "chậm chân", phải tính trước các "bài" để ứng phó. Đây là thời kỳ phải tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, dựa trên 2 nguồn là trái phiếu và vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, đầu năm 2022 khi sự cố một số doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng pháp lý, nhiều nhà đầu tư nhận thấy rủi ro của thị trường trái phiếu, khiến trái phiếu doanh nghiệp rơi vào khó khăn. 

Chia sẻ góc nhìn này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ 2019 đến những tháng đầu năm 2022 và đã nhanh chóng đạt được quy mô ngót nghét 1,2 triệu tỉ đồng (theo số dư đến 31.12.2022). Song từ nửa cuối của năm 2022 đến gần đây, thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Dư luận nghi ngờ số liệu lạm phát, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói 'hoàn toàn tin cậy' - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

VGP

Giải pháp nào để thị trường trái phiếu hồi phục an toàn?

Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, bên cạnh yếu tố quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu. Trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ ra 2 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và số 08/2023/NĐ-CP.

Những quy định pháp lý mới nhất đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo, và giải quyết những vấn đề khác liên quan… Việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản cũng giúp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ổn định trở lại và phát triển bền vững.

"Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước đảm bảo việc đó được thực hiện", ông Chi nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, sau khi Nghị định 08 được ban hành ngày 5.3, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được 26.400 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Trong khi cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được. "Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường", ông Chi nói..

Ngoài ra, sau Nghị định 08, đã có 16 DN đã đàm phán với các nhà đầu tư để giải quyết khối lượng trái phiếu tổng trị giá gần 8.000 tỉ đồng như Novaland, Hoàng Anh Gia Lai, Hưng Thịnh Land...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.