Liên quan đến đề xuất xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản của Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51, trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức BOT (gọi tắt dự án BOT QL51), ngày 18.11, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ GTVT phản hồi xung quanh vấn đề này.
Đề nghị giải quyết dứt điểm các vướng mắc của dự án
Theo Bộ Tài chính, hiện nay dự án BOT QL51 còn một số nội dung vướng mắc và đang tiếp tục làm việc, đàm phán với nhà đầu tư để giải quyết như phí bảo toàn vốn chủ sở hữu; thời gian thu phí tạo lợi nhuận của dự án; công tác đàm phán chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng chưa có đủ cơ sở để có ý kiến về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản nhận chuyển giao từ nhà đầu tư dự án BOT QL51.
"Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan để giải quyết dứt điểm các nội dung còn vướng mắc của dự án để thực hiện việc chấm dứt hợp đồng theo hình thức BOT dự án BOT QL51 theo đúng quy định tại pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; trên cơ sở đó có ý kiến chính thức gửi Bộ Tài chính để xem xét, có ý kiến theo quy định", công văn của Bộ Tài chính cho biết.
Công tác quản lý, bảo trì tuyến chính của QL51 rất cấp thiết
Đây là lần thứ 3 (ngày 26.4, 8.10 và 4.11), Bộ Tài chính nhận được đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của Dự án BOT mở rộng QL51 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bộ GTVT cho biết, công tác quản lý, bảo trì tuyến chính của QL51 rất cấp thiết; đồng thời, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản có tính đặc thù, phục vụ mục đích công cộng, dân sinh, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng... trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào thì cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tổ chức quản lý, khai thác tài sản đảm bảo giao thông được liên tục, thông suốt và an toàn.
"Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính thống nhất xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản đã được doanh nghiệp dự án bàn giao cho Cục đường bộ Việt Nam để hỗ trợ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời tổ chức, thực hiện công tác quản lý, bảo trì và khai thác tài sản theo quy định", Bộ GTVT đề xuất trước đó.
Nhà đầu tư cũng ... "khóc"
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 có chiều 72,7 km do Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư, quản lý và khai thác từ năm 2013. Theo phụ lục hợp đồng ký vào năm 2017, thời gian thu phí dự án dự kiến kết thúc vào tháng 1.2030. Tuy nhiên do lưu lượng qua trạm (có 3 trạm thu phí BOT đặt trên QL51) thực tế cao hơn so với tính toán trước đây nên thời gian thu phí hoàn vốn kết thúc sớm hơn so với dự kiến (tạm dừng vào ngày 13.1.2023).
Đến ngày 19.4.2023, BVEC đã bàn giao 72,7 km bao gồm chiều dài đường và chiều dài cầu trên 25 m cho Cục Đường bộ Việt Nam, trong giai đoạn tạm dừng thu phí; đồng thời đề nghị tạm dừng công tác bảo trì dự án.
Để đảm bảo việc quản lý, bảo trì khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được liên tục; đảm bảo an toàn giao thông, nhằm bảo vệ, kéo dài thời gian khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, Cục đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận các hạng mục tài sản BVEC bàn giao để thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo quản tài sản.
Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa bàn giao nhà điều hành, hệ thống thiết bị thu phí, cũng như các tài sản khác phục vụ cho dự án vì cho rằng tài sản này đang đảm bảo các khoản vay.
Trao đổi với Báo Thanh Niên vào chiều 19.11, đại diện BVEC cho rằng vẫn đang chờ cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc như trong văn bản của Bộ Tài chính đã viện dẫn, trả lời Bộ GTVT.
"Nhà đầu tư mong muốn Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam sớm giải quyết các tồn tại, vướng mắc của dự án trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Vì trên thực tế nhà đầu tư chưa hoàn được vốn và chưa trả nợ xong nợ vay các ngân hàng đồng tài trợ. Nếu không giải quyết dứt điểm, vụ việc kéo dài rất khó khăn cho các bên có liên quan", đại diện BVEC cho hay.
Địa phương cũng mệt mỏi
Trong lúc chờ xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT QL51 thì tuyến đường này hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông; các địa phương thụ hưởng đã lên tiếng.
Ngày 18.9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi văn bản, đề nghị Bộ GTVT sớm giải quyết vướng mắc để xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với QL51, làm cơ sở thực hiện duy tu, sửa chữa các vị trí xuống cấp, hư hỏng, bảo đảm an toàn giao thông; bàn giao QL51 từ vòng xoay Bà Rịa đến TP.Vũng Tàu cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý. Vì theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, QL51 từ vòng xoay Bà Rịa đến TP.Vũng Tàu không còn đường quốc lộ, trở thành đường địa phương. "Tuy nhiên, do QL51 chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân nên chưa đủ điều kiện để Bộ GTVT bàn giao cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý", văn bản do ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ký nêu.
Trước đó, ngày 20.8, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng ký văn bản gửi cho Bộ GTVT nêu lên hàng loạt tồn tại khi QL51 chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân, như các trạm thu phí chưa được tháo dỡ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông; mặt đường QL51 hiện xuống cấp nghiêm trọng với nhiều vị trí hư hỏng, ổ gà, mặt đường rạn nứt, "sống trâu"... nhưng không được triển khai sửa chữa.
Bình luận (0)