Chưa thể xây toàn bộ cầu cạn cao tốc tại ĐBSCL

01/03/2024 20:08 GMT+7

Giải pháp xây dựng cầu cạn cao tốc thay thế cho việc xây cao tốc trực tiếp trên nền đất yếu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là không khả thi, do nguồn lực đầu tư rất lớn.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký văn bản của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) liên quan đến sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp tại ĐBSCL.

Chưa thể xây toàn bộ cầu cạn cao tốc tại ĐBSCL- Ảnh 1.

Việc sử dụng giải pháp xây toàn bộ cao tốc trên cầu cạn thay cho cao tốc trên nền đất yếu tại ĐBSCL không khả thi do chi phí cao

T.N

Tại chất vấn này, dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia về việc có thể sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên, đại biểu đoàn Bạc Liêu đề nghị Chính phủ cho biết việc áp dụng giải pháp này tại ĐBSCL có khả thi không?

Hồi âm, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nhu cầu sử dụng vật liệu dùng để san lấp, đắp nền cho các dự án giao thông tại khu vực ĐBSCL rất lớn, riêng 4 dự án cao tốc trọng điểm đang triển khai có nhu cầu khoảng 56 triệu m3.

Để giải quyết sự thiếu hụt vật liệu cát xây dựng cho các dự án tại khu vực này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ: GTVT, Xây dựng, TN-MT, KH-CN tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm ứng dụng vật liệu thay thế.

Giải pháp sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên cho các dự án xây dựng giao thông đã được ngành giao thông sử dụng từ nhiều năm nay tại các khu vực thiếu hụt nguồn cát tự nhiên.

Tuy nhiên, ĐBSCL là khu vực chủ yếu sử dụng cát làm vật liệu đắp nền đường với nhu cầu rất lớn. Nếu sử dụng cát nhân tạo để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên cần khai thác các mỏ đá với khối lượng rất lớn cũng như phải bố trí rất nhiều dây chuyền sản xuất mới đáp ứng đủ nhu cầu và có giá thành cao hơn nhiều so với cát tự nhiên.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc áp dụng giải pháp này để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên tại khu vực ĐBSCL là không khả thi. Chỉ ưu tiên sử dụng để thay thế cát tự nhiên ở một số hạng mục với khối lượng sử dụng không lớn như: sản xuất bê tông nhựa, bê tông xi măng…

Ngoài ra, Bộ GTVT đã triển khai dự án thí điểm sử dụng nguồn cát biển thay thế cát sông, tổ chức quan trắc, theo dõi, thành lập hội đồng cấp bộ đánh giá kết quả thí điểm. Kết quả, cát biển tại Trà Vinh đáp ứng các yêu kỹ thuật làm nền đường ô tô.

Song, dự án thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, quy mô thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ; cần mở rộng phạm vi để đánh giá đầy đủ hơn.

Với việc nghiên cứu xây dựng đường cao tốc trên cầu cạn tại ĐBSCL thay cho xây dựng đường cao tốc trực tiếp trên nền đất yếu cũng là giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu.

Tuy nhiên, các giải pháp xây dựng cầu cạn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn (hiện chi phí xây dựng cầu cạn cao hơn khoảng 2,6 lần so với giải pháp đắp nền). Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, nguồn vật liệu cát khu vực ĐBSCL vẫn có khả năng đáp ứng cho các cao tốc đang triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, nên chủ yếu đang áp dụng giải pháp đắp nền bằng cát. Cầu cạn chỉ xây dựng cho các đoạn tuyến có chiều sâu đất yếu lớn, bảo đảm các tiêu chí về môi trường, thoát lũ... và có chi phí đầu tư hợp lý.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 1.3

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.