'Chưa thu lại nhà công vụ thì không thể nói người ta chiếm đoạt'

31/10/2014 15:15 GMT+7

(TNO) Trong giờ giải lao phiên họp Quốc hội sáng nay 31.10, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trao đổi với báo giới xoay quanh tình trạng sử dụng nhà công vụ hiện nay.

>> Tham nhũng nhà công vụ' phải coi là tội danh hình sự
>> Cưỡng chế thu hồi nếu không trả nhà công vụ

* Xin Bộ trưởng cho biết thực trạng sử dụng nhà ở công vụ hiện nay? Có hiện tượng chiếm đoạt nhà công vụ thành nhà tư như đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phản ánh hay không?

- Nhà ở công vụ hiện nay số lượng rất lớn. Theo tôi, chính sách nhà ở công vụ là chính sách rất đúng đắn để đảm bảo cho những cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… được luân chuyển, điều động công tác, xa nơi ở cũ có chỗ ở trong thời gian công tác. Hay bác sĩ, giáo viên, quân nhân… khi được điều động đến vùng sâu, vùng xa công tác cũng phải có nhà để ở, ổn định cuộc sống.

Quá trình thực hiện chính sách, đa số thực hiện đúng nhưng cũng có một số trường hợp chưa thực hiện đúng như ĐBQH đã nêu thì cần phải sớm khắc phục ngay. Có những người sử dụng chưa đúng mục tiêu đề ra.

bo-truong-trinh-dinh-dung
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời phỏng vấn báo giới - Ảnh: Ngọc Thắng

* Vì sao quản lý nhà ở công vụ hiện nay lỏng lẻo như vậy, thưa Bộ trưởng?

- Có thực tế là những chính sách, quy định pháp luật về nhà ở công vụ thời gian qua chưa đầy đủ, thậm chí chưa cụ thể. Thậm chí, luật Nhà ở năm 2005 quy định chưa rõ về đối tượng, giá thuê, thời hạn sử dụng… Nhà công vụ lại do rất nhiều cơ quan quản lý, như ở T.Ư thì do các bộ, ngành quản; ở địa phương thì do các sở, có nơi thì các cơ quan tự quản lý…

Bộ Xây dựng chúng tôi quản lý 180 nhà công vụ, số lượng bằng 1,4% tổng số nhà công vụ cả nước và Bộ mới được giao quản lý nhà công vụ của Chính phủ. Chúng tôi đã thấy được thực trạng, nguyên nhân tình hình quản lý nhà ở công vụ có nơi chưa tốt. Có tình trạng người đã hết thời gian công tác, có nhà ở rồi nhưng không trả lại nhà nhưng cũng có người hết thời gian công tác nhưng lại không có nhà để ở, mà bản thân họ không tạo lập được nhà ở. Đây là lỗ hổng pháp luật cần phải có quy định.

* Vậy có cần xây dựng một bộ luật về quản lý nhà ở công vụ không?

- Năm 2013, Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34 quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và đã có thông tư quy định, tiêu chuẩn về đối tượng, loại nhà ở để hướng dẫn các địa phương thực hiện, có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Với những người không còn công tác nữa nhưng vẫn không giao lại nhà công vụ, chúng tôi có những công văn yêu cầu họ phải trả lại nhà cho nhà nước.

Nhưng hiện nay, làm sao giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức sau khi họ trả nhà công vụ rồi thì sẽ như thế nào? Kỳ họp Quốc hội này, Bộ Xây dựng kiến nghị trong luật Nhà ở có một chương quy định về nhà công vụ. Theo đó, sau khi trả nhà công vụ rồi thì cán bộ, công chức, viên chức… nếu có nhu cầu nhà ở, sẽ được giải quyết, mua nhà ở xã hội. Nhưng nhà ở xã hội ở đây thì tiêu chuẩn phải mở rộng, nâng cao cho nhiều đối tượng khác nhau.

Chính phủ sẽ quy định cụ thể hơn về đối tượng, loại nhà ở xã hội, có sự hỗ trợ của nhà nước, để các đối tượng khác nhau, có nhu cầu về nhà ở, không có khả năng tạo lập nhà ở thì được mua loại nhà này để đảm bảo công bằng.

* Có những trường hợp cố ý chiếm đoạt nhà ở công vụ, nhất là những biệt thự lớn thì Bộ trưởng có cho rằng đó là hành vi tham nhũng không?

- Bây giờ chúng ta chưa thể nói cụ thể là chiếm đoạt hay không mà trước hết phải nói về vấn đề ý thức để họ phải trả lại nhà công vụ. Họ chưa giao có thể do chúng ta nữa. Nhà nước có thể đứng ra thu lại, nhưng Nhà nước chưa thu, thì cũng không thể nói người ta chiếm đoạt được.

Trả lời báo chí về vụ vỡ đập Đầm Hà vừa xảy ra tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết đây là đập cỡ trung bình, với dung tích khoảng 15 triệu m3, chiều cao đập 27,5 m, do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư và quản lý nhà nước. Sau khi bị cơn lũ đột xuất với lưu lượng nước rất lớn, nước đã tràn đến đỉnh đập. Chỗ yếu nhất của đập đã bị vỡ, rất may không có thiệt hại về người.

Sau khi nhận được tin vỡ đập, Bộ Xây dựng đã cử cán bộ trực tiếp đến kiểm tra, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của địa phương và của Bộ NN-PTNT tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

“Hiện nay, việc xử lý hậu quả đang được tiến hành khẩn trương, có trách nhiệm. Nguyên nhân cụ thể thế nào, chúng tôi sẽ có ý kiến sau. Sau khi có ý kiến đánh giá của cơ quan chức năng nhất là Cục Giám định các công trình xây dựng của Bộ Xây dựng sẽ có báo cáo cụ thể”, Bộ trưởng Xây dựng cho biết.

Mạnh Quân (ghi)

>> Hàng trăm quan chức phải ở khách sạn vì thiếu nhà công vụ?
>> Xây nhà công vụ cho giáo viên vùng cao
>> Chống tham nhũng, Trung Quốc tính cho tất cả quan chức ở nhà công vụ
>> Nhà công vụ, phải công bằng và đúng luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.