Chưa tới phút 90, Messi chưa ra dấu hiệu xin thay!

30/11/2021 13:49 GMT+7

Lionel Messi đã 'thắng dứt điểm' trong cuộc đua tay đôi vĩ đại nhất lịch sử, với Cristiano Ronaldo. Vậy là đã khép lại một chương huy hoàng, để… mở ra thêm một chương mới cũng huy hoàng chẳng kém?

Còn rất, rất nhiều điều kỳ thú phía trước để để thiên tài Messi hướng đến, trong… không biết bao lâu nữa!

Ngã ngũ, nhưng chưa phải cuối cùng

Một trong những cuộc đua hấp dẫn, dai dẳng, kỳ thú nhất trong lịch sử bóng đá rút cuộc đã coi như ngã ngũ, khi Lionel Messi “ghi bàn” quyết định để nâng “tỷ số” giữa anh và Cristiano Ronaldo lên 7-5. Ronaldo đã 36 tuổi, với đặc điểm chuyên môn rõ ràng nhất là anh không còn khả năng chạy suốt 90 như các cầu thủ xung quanh, đang đối diện nguy cơ không có suất dự World Cup 2022, thậm chí còn có thể bị tân HLV Ralf Rangnick ruồng rẫy ở CLB M.U. Làm sao có thể tưởng tượng anh còn có thể tranh Quả bóng vàng những 2 lần nữa!

Lionel Messi đã có 7 Quả bóng vàng, trong khi Cristiano Ronaldo (trái) "chỉ" mới có 5

afp/reuters

Với kết quả này, “phe” hâm mộ Messi còn có quyền khẳng định một điều tổng quát hơn thay vì chỉ là cuộc đua tay đôi. Đây là chi tiết mới hậu thuẫn lập luận Messi đáng được xem là ngôi sao vĩ đại nhất lịch sử - hơn mọi Pele, Diego Maradona, Johan Cruyff… Nhưng, cần lưu ý một điều: chưa có dấu hiệu nào cho thấy Messi sẽ dừng lại. Không thể nói đây sẽ là Quả bóng vàng cuối cùng trong sự nghiệp của thiên tài này. Chưa hề tới phút 90, Messi chưa ra dấu hiệu xin thay, và cuộc chơi vẫn đang còn quá hấp dẫn.

Messi giành Quả bóng vàng, Ronaldo giận dữ chỉ trích sếp lớn của ban tổ chức

Không tốt cho bóng đá? Chưa chắc!

Đề tài phổ biến khi Messi và Ronaldo thống trị sân khấu cá nhân suốt thập kỷ trước: bóng đá đỉnh cao sẽ tẻ nhạt, đơn điệu… Tùy quan điểm thôi. Rồi cũng phải đến lúc họ nhường chỗ cho thế hệ sau. Nhưng đây là trận địa bầu chọn, và cái đúng thuộc về số đông. Trong hàng trăm người xứng đáng được France Football mời bình chọn, ai muốn thiên về truyền thống, ngả theo làn gió mới, hay lạnh lùng cân đo đong đếm những giá trị ở hiện tại, đều toàn quyền quyết định.

Mbappe tại lễ trao danh hiệu Quả bóng vàng 2021

afp

Vấn đề ở đây là những Kylian Mbappe hoặc Erling Haaland sẽ phải cạnh tranh cật lực, cố qua mặt các “tiền bối” bằng thực tài, chứ không có chuyện hào quang đương nhiên thuộc về lứa trẻ. Đâu chỉ mỗi Messi (34 tuổi) già. Cả 6 vị trí cao nhất trong cuộc bầu chọn năm nay đều ở tuổi 30 trở lên, tính ở thời điểm cuối năm. Khoa học kỹ thuật, dinh dưỡng, lối sống lành mạnh… giúp các ngôi sao kéo dài phong độ đỉnh cao – quá tốt chứ! Thậm chí còn phải đặt ngược vấn đề: bóng đá có nguy cơ “vứt đi” nếu chiến thắng mặc nhiên thuộc về những người trẻ hơn, nhanh hơn, khỏe hơn. Messi đang thể hiện một điều tuyệt vời: chiến thắng bằng tài năng luôn là chiến thắng hay, đẹp, đáng xem nhất trong môn thể thao vua.

Bài học từ thành công của PSG

Không chỉ là sự kiện quan trọng, còn có thể xem việc chuyển từ Barcelona sang PSG là một “biến cố” trong sự nghiệp đỉnh cao của Messi. Barcelona nợ 1,5 tỉ euro và không thể ký tiếp hợp đồng dù Messi đã chịu giảm 50% lương. Anh bẽ bàng ra về ngay trong buổi hẹn ký hợp đồng. Khi ấy, chỉ có hầu bao gần như vô tận mới giúp PSG rước được ngôi sao Argentina. Người ta vẫn xem đấy là câu chuyện “cậy tiền” của một đội nhà giàu mới ngông nghênh.

Kỳ thực, bóng đá nhà nghề bây giờ còn là hình ảnh, thương hiệu, kinh doanh… chứ không chỉ có vấn đề chuyên môn. Bây giờ, PSG (ra đời sau Quả bóng vàng những 14 năm) đã có quyền tự hào về việc sở hữu một ngôi sao đoạt Quả bóng vàng, ngay khi đang khoác áo CLB. Ngang với Liverpool và chỉ thua 8 CLB khác trên đời. Man City chưa bao giờ có đại diện được Quả bóng vàng. Kết cục sau này ra sao chưa biết. Nhưng trước mắt, PSG coi như đã đúng và thành công rực rỡ với quyết định thuê chỗ ở tháp Eiffel và trải thảm rước Messi.

7 Quả bóng vàng của Messi qua các năm 2009, 2010, 2011, 2012, 2015, 2019, 2021

afp

Trước đây, Messi dù rất xứng đáng, vẫn phải “mang tiếng” thành công phần nào nhờ được chơi trong màu áo Barcelona. Bây giờ anh vẫn thành công, và giúp luôn cả PSG thành công trên thương trường, trong lịch sử. PSG đã khắc được một dấu vết, sẽ tồn tại mãi trong lịch sử, nhờ biết cách trân trọng tài năng của Messi, hơn là nhờ tiền.

“Nằm mà vẫn cao”

Hình tượng dễ được sử dụng khi thiên hạ múa bút về Messi, là anh tuy… lùn nhưng lại cao hơn mọi danh thủ khác về tài năng. Mùa này, “chú lùn” Messi thậm chí còn phải… nằm bẹp. Anh cam tâm nằm dưới chân đồng đội để che chắn khi đối phương sút phạt trực tiếp, và đấy là hình ảnh đã được dùng để giễu cợt Messi. Không ít cầu thủ nhà nghề còn khẳng định, như một cách chỉ trích PSG: như thế là quá xúc phạm.

Messi nằm dưới chân đồng đội để che chắn khi đối phương sút phạt trực tiếp

afp

Thật ra, một cầu thủ không có nhiệm vụ gì trong hệ thống phòng ngự thì lãnh phần việc ấy là quá đúng cả về logic lẫn chuyên môn rồi. Messi không câu nệ, bởi toàn bộ niềm kiêu hãnh của anh dồn vào tài năng chứ không ở hình ảnh đứng hay nằm của vẻ ngoài. Đấy là tình huống sút phạt trực tiếp trong một trận đấu đỉnh cao. Hơn ai hết, Messi hiểu rõ mọi chi tiết quan trọng xung quanh một cú sút phạt trực tiếp, nên anh mới sẵn sàng “nằm”. Đây cũng là nét mới (Messi trước đây chưa bao giờ đáng nói về sự hiểu biết, dù là hiểu biết về bóng đá). Tiện thể, lại nên nói thêm: một mình Messi ghi 2 bàn bằng tuyệt chiêu sút phạt trực tiếp tại Copa America 2021 – nhiều hơn tất cả các ngôi sao dự VCK EURO 2020 cộng lại.

Copa America mang tính quyết định

Nhắc đến Copa America 2021 là phải nhắc đến Messi. Tỏa sáng tại giải đấu này cũng là chi tiết quyết định giúp Messi đoạt Quả bóng vàng năm nay. Anh dẫn đầu trong cả hai việc ghi bàn, kiến tạo. Anh trực tiếp tham gia vào 9 trong 12 bàn của Argentina. Vì Copa America không phải là World Cup, nên người ta mới không so sánh. Chứ việc Messi một mình kéo đội Argentina lên ngôi vô địch Copa America 2021 cũng chẳng khác gì, thậm chí rõ hơn, việc Maradona kéo Argentina lên ngôi vô địch World Cup 1986. Đây là chức vô địch quan trọng đầu tiên của đội tuyển Argentina trong 28 năm.

Nhắc đến Copa America 2021 là phải nhắc đến Messi

afp

Còn nếu cho rằng trận địa Copa là hạn hẹp, thì cũng cần nhớ: EURO 2020 – giải đấu ngang cấp và cùng diễn ra trong mùa hè vừa qua – chính là một trong những giải đấu lớn… dở nhất xưa nay. Đấu trường EURO bây giờ quá xuống cấp rồi, vì UEFA tham tiền mở rộng cửa cho 24 đội tham dự.

Hồi năm 2010, Xavi và Andres Iniesta vô địch World Cup trong màu áo Tây Ban Nha; Wesley Sneijder của Inter vô địch Champions League và cùng Hà Lan vào chung kết World Cup – nơi Messi và đồng đội Argentina thảm bại 0-4 ở vòng tứ kết. Vậy mà Messi còn được trao Quả bóng vàng. Bây giờ, Messi rực sáng giúp Argentina vô địch Copa America, thì còn gì cản anh nữa – nhất là khi đối thủ chính Robert Lewandowski cũng chẳng có gì ngoài chuyện (đương nhiên) vô địch Bundesliga.

Những thay đổi thú vị

Messi ghi bàn bằng cú sút phạt trực tiếp trong khi các hảo thủ châu Âu không làm được như thế tại EURO – đấy chỉ là một trong nhiều chi tiết quan trọng để nói về “Messi bây giờ”. Chỉ 1 ngày trước khi lãnh Quả bóng vàng tại Theatre du Chatelet, Messi làm cú “hat-trick kiến tạo” giúp PSG thắng St Etienne tại giải Ligue 1. Xin được lưu ý: kiến tạo 3 bàn là điều khó hơn, hy hữu hơn cả việc ghi 4 bàn trong cùng một trận. Khi không còn (và cũng không nên vận dụng) tốc độ cực đại ở tuổi 34, Messi đã thay đổi và có thêm nhiều “vũ khí” mới rất quan trọng về chuyên môn. Hàng chục năm trước, anh không bao giờ thành công trong đội tuyển quốc gia, vì đội tuyển quốc gia không giúp Messi thành công (như CLB Barcelona).

Messi vẫn còn sức "huỷ diệt" rất lớn

afp

Bây giờ, Messi giúp ngược đội bóng. Anh cải thiện tư duy chiến thuật, đá khôn ngoan hơn. Phải khẳng định: khả năng đem lại thành công cho toàn đội, kéo toàn đội lên đẳng cấp cao hơn, tự mình hòa nhập trong bất kỳ lối chơi nào của đội bóng là ưu điểm quan trọng mà ngay cả khi còn phong độ rực rỡ nhất, Messi cũng không có. Bảo anh sẽ thành công nữa, cũng là vì vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.