Chưa ủng hộ việc đánh thuế nhà, đất thứ hai

Đình Sơn
Đình Sơn
04/03/2023 07:19 GMT+7

Trước đề xuất của TP.HCM đánh thuế nhà đất, đất thứ hai, Bộ KH-ĐT không đồng tình vì cho rằng chính sách này không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp.

Các chuyên gia cũng cho rằng cần cân nhắc thời điểm phù hợp hơn bởi thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đang đóng băng, nếu đánh thuế sẽ làm thị trường càng thêm khó và nhiều ý kiến lo ngại đánh thuế sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế.

NGƯỜI DÂN LO LẮNG

Cụ thể, Bộ KH-ĐT cho rằng đối với đề xuất này có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành và cơ quan T.Ư về một số cơ chế, chính sách lần đầu được TP.HCM đề xuất thí điểm, chưa có trong luật. Việc đánh thuế cao với người sở hữu nhà, đất thứ hai tại TP.HCM sẽ tạo nguồn thu ngân sách cho TP. Kết quả thí điểm là cơ sở để xem xét mở rộng phạm vi áp dụng sau này tại các địa phương khác. Song, khi tham vấn ý kiến, bộ thấy còn nhiều quan điểm khác và bất cập.

Trong đó, chính sách này không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp. Ví dụ, người có một nhà, đất ở diện tích hoặc giá trị lớn sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu 2 nhà, đất ở diện tích, giá trị nhỏ lại chịu thuế cao. Mặt khác, việc chưa số hóa giấy tờ giao dịch BĐS là kẽ hở để nhiều tổ chức, cá nhân lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên. 

Vì thế, việc đưa ra thí điểm đánh thuế cao với BĐS thứ hai lúc này chưa phù hợp. Ngoài ra, cơ chế này khi áp dụng sẽ tác động đến thị trường, làm giảm cung và cầu BĐS tại TPHCM. Hiện không nhiều quốc gia trên thế giới chọn phương án đánh thuế cao với người sở hữu nhà, đất thứ hai trở lên. Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị chưa đưa chính sách này vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Chưa ủng hộ việc đánh thuế nhà, đất thứ hai - Ảnh 1.

Việc đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều

ĐÌNH SƠN

Là công dân của TP.HCM, ông Tùng Quang lo lắng rằng việc TP.HCM đề xuất đánh thuế BĐS sẽ trở thành gánh nặng đối với người dân bởi hiện nay đã có quá nhiều thuế và thuế đang rất cao so với khả năng, thu nhập của họ. Hiện nay, biểu thuế lũy tiến từng phần đối với người làm công ăn lương cao nhất lên đến 35%. Trong khi trên thực tế, một BĐS khi đến tay khách hàng cũng đã phải cõng rất nhiều loại thuế, phí như: tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển nhượng, phí trước bạ, thuế VAT... khiến giá cao ngất ngưởng. 

Chưa kể khi mua một căn hộ người dân phải đóng thêm 10% thuế VAT. Khi bán một BĐS dù lời hay lỗ cũng phải đóng 2% thuế trên giá chuyển nhượng; Khi cho thuê cũng phải đóng thuế… Ở chiều ngược lại, thu nhập của đại đa số người dân đang giảm sút trầm trọng, thất nghiệp gia tăng. Với riêng thị trường BĐS đang rơi vào tình trạng đóng băng, lãi suất tăng cao… thì việc đề xuất đánh thuế đối với BĐS thứ hai là chưa phù hợp, cần phải xem xét lại. Chưa kể, nói về mục đích đánh thuế để chống đầu cơ, nhưng đến nay chưa có một nghiên cứu nào khẳng định tỷ lệ đầu cơ là bao nhiêu, nhu cầu thực là bao nhiêu.

Nhịn đi du lịch 1 năm, 9X tiết kiệm gần 2 tỉ đồng mua căn nhà đầu tiên | Căn nhà đầu tiên tập 3

"Việc giá BĐS cao hiện nay một phần quan trọng là do cung không đủ cầu, do "tắc" pháp lý khiến dự án kéo dài, đội giá. Một phần lý do như tôi vừa kể trên, BĐS hiện có nhiều loại thuế. Vì vậy khi ban hành thêm một sắc thuế mới cần được đánh giá rất kỹ tác động tới thị trường. Làm ra được đồng tiền đã khó khăn vất vả, đã quá khó khăn vì phải chịu bao nhiêu là thuế, phí. Nay mua nhà lại đề xuất đánh thêm thuế nữa thì quá sức chịu đựng của người dân. Đề nghị nên xem xét lại, nhất là lúc này mua nhà đang là gánh nặng đối với người dân", ông Tùng Quang nêu quan điểm.

Việc đánh thuế bất động sản thứ hai phải đi kèm với nỗ lực khác để cân bằng nguồn cung, ổn định lãi suất, đảm bảo khả năng tiếp cận vốn vay.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers VN

CHUYÊN GIA CŨNG SỢ THUẾ CHỒNG THUẾ

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers VN, cũng cho rằng thị trường BĐS cần có cơ chế để đảm bảo người sở hữu nhiều BĐS hơn chia sẻ, đóng góp một cách công bằng cho xã hội. Tương tự như thuế thu nhập cá nhân, thu nhập càng cao, mức đóng thuế càng tăng theo lũy tiến. Hình thức đánh thuế với nhà đất thứ hai không mới trên thế giới. Như ở Anh, từ BĐS thứ hai trở lên, dù mua để ở hay cho thuê, lệ phí trước bạ được tính bằng mức tiêu chuẩn cộng thêm khoản phụ phí 3% trên mỗi khung giá.

Tại Singapore, BĐS thứ hai giá cao hơn BĐS thứ nhất, bị định giá cho vay thấp hơn và còn phải đóng thêm phí trước bạ của người mua thêm. Tại TP.Thượng Hải (Trung Quốc), BĐS thứ hai phải trả một khoản thuế thường niên từ 0,4 - 0,6% giá trị tài sản, tính trên diện tích dư ra từ mức 60 m2/người... Nhưng đó là ở những nước phát triển, bình quân thu nhập của người dân rất cao. 

Còn tại VN, nhất là trong giai đoạn hiện nay việc đánh thuế BĐS thứ hai vẫn cần cân nhắc vì đề xuất trên được kỳ vọng giúp hạn chế hành vi đầu cơ lướt sóng, tạo cơ hội cho người chưa có nhà tiếp cận. Tuy nhiên, việc này không hẳn giúp giá nhà giảm đi mà có thể còn làm tăng giá BĐS vì phải chịu thêm thuế. Nếu áp dụng thí điểm tại TP.HCM, cần hướng đến tài sản hoặc giao dịch thực hiện tại TP.HCM, mà người mua - người bán lại không thường trú ở đây. 

Ngoài ra, bất kỳ chính sách mới nào đều nên có lộ trình phù hợp giúp mọi người dân hiểu rõ và làm quen. "Mặt khác, việc đánh thuế BĐS thứ hai phải đi kèm với nỗ lực khác để cân bằng nguồn cung, ổn định lãi suất, đảm bảo khả năng tiếp cận vốn vay", theo ông David Jackson.

Chuyên gia BĐS Nguyễn Hoàng nhấn mạnh: Thời điểm này chưa thích hợp để đánh thuế BĐS thứ hai bởi thị trường đang khá "tồi tệ". Nếu đánh thuế nữa sẽ làm tâm lý người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp thêm nản và như thế thị trường sẽ càng xấu đi trong khi Chính phủ đang nỗ lực vực dậy thị trường BĐS cũng như nền kinh tế. Việc thu thuế BĐS thứ hai trở đi là bài toán phức tạp, do đó cần tính toán cụ thể bởi có thể ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của nhà đầu tư, người dân. Nếu áp dụng phải có lộ trình, có thời gian. 

Đặc biệt, việc đánh thuế cũng nên cân nhắc đến công bằng giữa các đối tượng, giữa các địa phương. Bởi nhà đầu tư trên sàn chứng khoán thì chỉ bị khấu trừ 0,01%/giao dịch; gửi ngân hàng, đầu tư vàng không bị đánh thuế còn BĐS bị đánh thuế khá nhiều. Đơn cử khi bán đã bị đánh thuế 2%/giá bán bất kể là lời hay lỗ. Ngoài ra, nếu chỉ đánh thuế ở TP.HCM thì không công bằng đối với người dân TP.HCM bởi các tỉnh thành khác như: TP.Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… cũng là TP, tỉnh trực thuộc T.Ư. Trong trường hợp vẫn thực hiện đánh thuế BĐS thứ hai thì cần có chính sách hỗ trợ cho người tạo lập BĐS đầu tiên về thuế, tiếp cận vốn. Có như vậy mới tạo được sự công bằng, không tạo ra suy nghĩ của người dân về việc nhà nước tận thu thuế. 

Việc đề xuất đánh thuế BĐS thứ hai đã được đưa ra nhiều lần nhưng cho đến nay vẫn là đề xuất và chưa thể thực hiện được do chúng ta chưa có sự chuẩn bị cho việc đánh thuế tài sản là BĐS. Cụ thể ở đây là ngôi nhà thứ hai. Nếu muốn đánh thuế BĐS thứ hai, cơ quan thuế phải có dữ liệu cá nhân của người dân, đặc biệt là việc sở hữu BĐS như thế nào. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu "ngôi nhà thứ nhất" của người dân vẫn chưa thực hiện được, thì việc đánh thuế BĐS thứ hai là điều không thể.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.