Chuẩn bị cho phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Mai Hà
Mai Hà
24/12/2023 09:49 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về kế hoạch tổ chức thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương cho phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Theo kế hoạch, dự kiến sẽ phá sản đối với Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con; thu hồi phần vốn của công ty mẹ - SBIC tại Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm; tiếp tục xử lý các doanh nghiệp thuộc SBIC theo tinh thần Kết luận 65-KL/TW, thu hồi tài sản, quyền tài sản của công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con theo đúng quy định pháp luật.

Chuẩn bị cho phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy- Ảnh 1.

Đóng tàu tại công ty thành viên của SBIC

SBIC

Cụ thể, thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước, trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm tổn thất tiền, tài sản của nhà nước, tổ chức cá nhân liên quan cũng như với ngành đóng, sửa chữa tàu.

Việc phá sản phải đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; bảo đảm quyền lợi của người lao động. Có cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình triển khai nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện phá sản.

Kế hoạch cho phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Kế hoạch cũng đề ra việc rà soát, đánh giá thực trạng từng doanh nghiệp, xây dựng phương án xử lý cụ thể.

Trong đó, với công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con (gồm các công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn), khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 1/2024.

Với Công ty CP đóng tàu Sông Cấm, thu hồi phần vốn góp của công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm trong quá trình phá sản công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng theo trình tự, thủ tục của luật Phá sản… Thời gian thực hiện dự kiến bắt đầu triển khai từ quý 2/2024.

Với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) trước đây đã xác định không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn thành tái cơ cấu theo kết luận của Bộ Chính trị (147 doanh nghiệp, đơn vị), tiếp tục xử lý theo tinh thần Kết luận 65, phù hợp lộ trình phá sản của công ty mẹ - SBIC. Dự kiến bắt đầu triển khai từ quý 2/2024…

Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, KH-ĐT, Tài chính làm việc với TAND tối cao, Viện KSND tối cao và các tòa án liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý SBIC.

Đồng thời, chỉ đạo Hội đồng thành viên SBIC xây dựng, đề xuất cơ chế lương, thưởng với người quản lý, người lao động tại công ty mẹ và các công ty con…

SBIC được tái cơ cấu từ Vinashin từ năm 2014 với vốn điều lệ 9.520 tỉ đồng, sau quá trình cơ cấu, xóa mô hình tập đoàn tại Vinashin do hàng loạt sai phạm, thua lỗ.

SBIC phải sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây. Trong đó, doanh nghiệp này cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp và bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.