Chuẩn bị nhân lực đón công nghệ bán dẫn

Nguyên Nga
Nguyên Nga
18/10/2023 06:36 GMT+7

VN cần tăng tốc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn để tránh nguy cơ chậm một nhịp trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà đầu tư lĩnh vực này đến nước ta.

Công nghệ bán dẫn: Thế giới gọi tên VN

Cách đây đúng 1 tuần, ngày 11.10, tại Bắc Ninh, Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) tổ chức lễ khánh thành nhà máy Amkor Technology VN. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của tập đoàn này, chuyên sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của doanh nghiệp. Lãnh đạo cao cấp của Amkor Technology khẳng định việc phát triển nhà máy Amkor tại Bắc Ninh nằm trong kế hoạch chiến lược kinh doanh của tập đoàn. 

Theo đó, Amkor Bắc Ninh sẽ trở thành cứ điểm quan trọng trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Amkor trên toàn cầu trong thời gian tới, đồng thời tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở VN. Tại buổi lễ, lãnh đạo địa phương cũng không giấu kỳ vọng đưa Bắc Ninh trở thành một trong những cứ điểm về sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới.

Chuẩn bị nhân lực đón công nghệ bán dẫn - Ảnh 1.

VN đang có nhiều cơ hội để thu hút các dự án công nghệ bán dẫn lớn

NT

Trước đó 1 tháng, Tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc) chính thức đưa nhà máy bán dẫn thứ hai ở Bắc Giang vào hoạt động. Theo kế hoạch, Hana Micron VN sẽ là cơ sở sản xuất số 1 trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này và công ty dự kiến nâng vốn đầu tư dự án ở VN lên hơn 1 tỉ USD trong năm 2025. Việc liên tiếp có 2 dự án bán dẫn lớn đồng loạt khánh thành trong vòng 1 tháng cho thấy sức hấp dẫn của VN trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Trong bài báo mới đây, tờ Nikkei Asia nhận định chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạo ra làn sóng đầu tư mới vào VN và doanh nghiệp Mỹ có thể đổ xô đến VN trong đợt bùng nổ làn sóng đầu tư lần thứ 4. Bài báo cũng đề cập việc VN đang muốn chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Đặc biệt là sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, những tên tuổi chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước.

Bên cạnh đó, cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) dự kiến sẽ được khánh thành sau gần 3 năm xây dựng. Song hành sự kiện này, triển lãm quốc tế "Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023" cũng được tổ chức với sự quy tụ hàng trăm "gã khổng lồ" công nghệ, cũng như các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tiêu biểu tham dự. Thông tin từ Bộ KH-ĐT cho thấy, nhiều doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong nước và quốc tế như: SK, Samsung, Google, Meta, Signify, Intel, VISA, Viettel, FPT, THACO, VNPT, Sovico, MoMo… đã xác nhận tham gia.

Có thể thấy lĩnh vực bán dẫn VN đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn khi thu hút sự quan tâm, hiện diện của những "ông lớn" hàng đầu thế giới của Mỹ và Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay là gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Tăng tốc đào tạo gấp 3 - 5 lần SO VỚI các nước

Theo dự thảo Chiến lược phát triển vi mạch bán dẫn VN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, nội dung tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vi mạch là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, dự thảo đưa ra các giải pháp, như phát triển nguồn nhân lực vi mạch trong nước là chủ đạo dựa trên nền tảng giáo dục STEM, nguồn nhân lực nước ngoài là quan trọng để dẫn dắt, thu hẹp khoảng cách của VN tiếp cận và làm chủ công nghệ vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, chiến lược đưa kế hoạch thu hút, khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia bán dẫn người nước ngoài, trong đó có Việt kiều, phối hợp với các trường đại học hàng đầu để xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo về vi mạch, bán dẫn, thiết kế vi mạch, kỹ thuật điện tử.

Nhà khoa học vi mạch thế giới, GS-TS Đặng Lương Mô - người đặt nền móng cho đào tạo nhân lực ngành công nghệ vi mạch bán dẫn, từ Nhật Bản trở về nước và thành lập phòng thí nghiệm mô phỏng và thiết kế vi mạch tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Sau đó, cùng các nhà khoa học VN, ông đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch, cho ra đời nhiều chip điện tử "made in Vietnam" từ gần 20 năm trước. GS Đặng Lương Mô chia sẻ: Nhật Bản trong những năm 1970 - 1980 đã bắt đầu phát triển nền công nghiệp vi mạch và sớm trở thành quốc gia đứng đầu thế giới trong ngành này. Với quyết tâm và nắm bắt xu thế của thế giới, Nhật Bản với hơn 1.000 trường đại học, đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này. Có thể nói, sinh viên tốt nghiệp ra trường ngành công nghệ chip, vi mạch của Nhật Bản tại thời điểm đó rất "đắt", đào tạo kịp nhu cầu phát triển như vũ bão.

Cũng trong giai đoạn nói trên, theo GS Đặng Lương Mô, Hàn Quốc và Đài Loan chỉ là các thị trường "lắp ráp xa bờ", gia công cho các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản, Mỹ. Thế nhưng 17 năm sau, năm 1997, Hàn Quốc đã gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nằm trong hơn 30 quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất thế giới. "Tại sao Hàn Quốc làm được điều đó? Họ đã đẩy mạnh chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn với lợi thế tuy gia công ban đầu, nhưng ồ ạt đào tạo nguồn nhân lực vi mạch dồi dào, giỏi, tận dụng chất xám từ các công ty vi mạch nước ngoài, chất xám của du học sinh… Đài Loan và ngay cả Trung Quốc bây giờ cũng vậy, đã xây dựng nền công nghiệp bán dẫn nhờ tận dụng được nguồn nhân lực giỏi từ Mỹ về, từ các doanh nghiệp bán dẫn đã và đang đầu tư trong nước", GS Đặng Lương Mô phân tích.

Từ đó, theo ông, VN muốn tăng tốc, muốn nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư vi mạch lớn toàn cầu đổ vốn vào, phải có nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, chiến lược phát triển nhân lực cho ngành này đến nay vẫn còn là dự thảo. "Một câu hỏi đặt ra là chúng ta đẩy mạnh phát triển để nắm bắt cơ hội này được không? Tôi cho là được. Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan làm được, chúng ta có thể làm tốt hơn họ bởi chúng ta có lực lượng chuyên gia giỏi trong ngành bán dẫn là người Việt ở nước ngoài rất đông. Họ đã và đang tư vấn, làm thuê cho các tập đoàn bán dẫn lớn toàn cầu. Hãy tận dụng chất xám đó để phát triển nguồn nhân lực cao cấp. Bên cạnh đó, với các tập đoàn công nghệ bán dẫn đã và sẽ vào VN, phải ràng buộc họ đầu tư mở rộng, gia tăng nguồn nhân lực nào cho VN", GS Đặng Lương Mô nói đồng thời nhấn mạnh cho đến bây giờ, các trường đại học chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ mới bắt đầu mở tuyển sinh đào tạo ngành công nghệ bán dẫn là quá chậm. Vì thế, cần có bước nỗ lực lớn hơn nữa, tăng tốc gấp 3 - 5 lần người ta… thì mới thu hút được các ông lớn trong ngành này tới VN. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.