Cơ hội cho công nghệ bán dẫn

Nguyên Nga
Nguyên Nga
24/07/2023 06:34 GMT+7

Đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế trước những động thái mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt, Mỹ cũng khẳng định sẽ hỗ trợ VN nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn.

Sẽ có dự án tỉ USD trong thời gian tới ?

Trong chuyến thăm, làm việc tuần qua tại VN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với VN; có kế hoạch tăng cường hợp tác với VN về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy. Đặc biệt, Mỹ muốn hỗ trợ VN nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo. 

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí với đề nghị của phía Mỹ và nhấn mạnh việc mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip, chất bán dẫn cũng là ưu tiên trong chiến lược phát triển của VN. Thủ tướng thông tin VN đang thúc đẩy xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật, quản trị hiện đại và đào tạo nhân lực trong những lĩnh vực này.

Cơ hội cho công nghệ bán dẫn - Ảnh 1.

VN đang có nhiều cơ hội thu hút dự án tỉ USD vào công nghệ bán dẫn

NGỌC THẮNG

Trong thực tế, VN từ lâu đã được "xướng tên" trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lĩnh vực công nghệ, bao gồm công nghiệp bán dẫn. Từ 10 năm trước, Intel bắt đầu phát triển nhà máy sản xuất chip tại VN với quy mô 1 tỉ USD và sau tăng lên 1,5 tỉ USD. Thế nhưng, kỳ vọng VN sẽ sớm trở thành "bến đỗ" mới của ngành công nghiệp bán dẫn bắt đầu được nói đến nhiều sau đại dịch Covid-19, chính sách đóng cửa chống dịch kéo dài của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn. Đặc biệt, từ sau khi nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN là Samsung, xác nhận sẽ sản xuất các linh kiện bán dẫn tại VN vào tháng 8 năm ngoái, VN càng có nhiều cơ hội để phát triển, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ hơn.

Đến nay, với số vốn đầu tư hơn 2,6 tỉ USD, nhiều khả năng dự án sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics VN (tại Thái Nguyên) sẽ được thực hiện vào cuối năm nay, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất. Một dự án khác trong lĩnh vực bán dẫn đang được triển khai đáng quan tâm là dự án 1,6 tỉ USD của Công ty Amkor Technology Việt Nam (Hàn Quốc) cũng đang triển khai đúng tiến độ tại Bắc Ninh. Dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới và đưa vào sản xuất thử nghiệm ngay sau đó.

Ngoài những nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới nói trên, gần đây, VN ghi nhận nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này tiếp tục tìm đến. Đầu tháng 6 vừa qua, công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT là Infineon Technologies AG cũng đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động, thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội. 

Chiến lược này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kiểm thử chức năng và thiết kế mạch tùy chỉnh cho các giải pháp về hệ thống trên chip (SoC) hàng đầu của Infineon. Mục tiêu của Infineon là đưa trung tâm tại Hà Nội thành một trung tâm R&D theo chuẩn quốc tế, như các trung tâm của tập đoàn này đặt tại Ấn Độ, Singapore, Đức… 

Ngoài ra, Tập đoàn bán dẫn lớn của Mỹ là Synopsys cũng đang mở rộng hoạt động tại VN với hành động chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang VN; hay USI Electronics của Đài Loan, Renesas Electronics của Nhật Bản cũng đã có nhà máy tại VN.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét những động thái trên cho thấy, cơ hội cho VN phát triển mạnh công nghệ bán dẫn đang đến rất gần. Ông nhấn mạnh: "Sẽ có nhiều thay đổi, thậm chí dự án tỉ USD trong thời gian tới, đặc biệt, sau những cam kết giữa các nhà lãnh đạo cấp cao 2 nước…".

Không thể chậm trễ hơn nữa...

Quy mô của thị trường chip toàn cầu năm 2022 khoảng hơn 600 tỉ USD, dự báo đến năm 2029 sẽ lên 1.400 tỉ USD. Cơ hội dành cho VN trong chiếc bánh khổng lồ này rất lớn.

GS-TSKH Nguyễn Mại nhận xét không phải ngẫu nhiên mà các nhà lãnh đạo cấp cao từ ngoại giao, tài chính và các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ lần lượt đến VN trong thời gian ngắn vừa qua. Rõ ràng mối quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa 2 quốc gia đang rất tốt. Theo TSKH Nguyễn Mại, công nghệ bán dẫn là "câu chuyện của cả thế giới", chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch chương trình hỗ trợ 55 - 56 tỉ USD cho các nhà sản xuất chip nội địa và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực này. Các nước châu Âu cũng tăng hỗ trợ các nhà sản xuất để đáp ứng nhu cầu và xuất khẩu; nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng đẩy mạnh chính sách ưu đãi tài chính, hỗ trợ các công ty bán dẫn phát triển… VN không có nhiều tiền để đầu tư, nên phải dựa vào thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực này. 

Đến nay, GS Nguyễn Mại thông tin các nước đã hứa đầu tư vào VN khoảng 5 tỉ USD cho công nghệ bán dẫn. Trong đó có Samsung làm chip lưới, Intel đầu tư chip nguồn tại TP.HCM và nhiều nhà đầu tư mới khác.

Ông Vũ Quốc Chinh, chuyên gia marketing, bình luận: Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ cao nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng. Trong đó xác định rõ vi mạch điện tử là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước. Tuy nhiên đến nay, công nghiệp bán dẫn tại VN vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, dư địa phát triển còn rất lớn, cần những quyết sách táo bạo và "nóng" hơn nữa.

Theo ông Mại, quan trọng hơn lúc này là phải thay đổi cách tiếp cận ưu đãi. VN và nhiều nước đang phát triển lâu nay cứ chọn ưu đãi về thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu…) để thu hút vốn. Nay với quy định thuế tối thiểu toàn cầu mà VN dự kiến tháng 10 tới trình Quốc hội để chính thức từ đầu năm 2024 thì thu hút FDI trong thời gian tới sẽ tập trung ưu đãi về chi phí, tiêu hao trong đầu tư cho doanh nghiệp bằng tài chính. 

"Cụ thể, không chờ nhà đầu tư có lãi mới nộp thuế, mà ưu đãi ngay từ đầu. Nước Anh đang áp dụng trợ cấp khoảng 15% trên vốn đầu tư cho doanh nghiệp làm nghiên cứu. VN chắc chắn trong thời gian tới sẽ áp dụng chính sách này, nhưng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì còn tính sau. Thay đổi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư sớm sẽ khiến VN có nhiều cơ hội xác lập được nền công nghiệp bán dẫn, tạo cú hích rất lớn cho nền kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng và quan trọng là tạo ra sự lan tỏa, không chỉ trong thu hút vốn ngoại mà nguồn vốn nội địa tham gia vào chuỗi giá trị này", GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Pháp) nói từ năm 2022, giữa nỗi lo toàn cầu về đứt gãy cung ứng, Hàn Quốc đã kịp hợp tác với Mỹ mở rộng nhà máy sản xuất chip tại Mỹ với số tiền tại một nhà máy ở Texas đã 17 tỉ USD, kế hoạch sẽ đầu tư 11 nhà máy như vậy cũng tại bang này, tổng số tiền ước 200 tỉ USD. 

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã ký kết với Ấn Độ để lập chuỗi cung ứng chip bán dẫn, với chính sách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. "VN là một trong những lựa chọn của các nhà đầu tư chip hàng đầu thế giới, nhưng để khiến VN sớm trở thành bến đỗ cho các dự án tỉ USD này, cần đẩy nhanh và rõ ràng chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi hơn nữa. Chậm ngày nào, mất cơ hội ngày đó", ông Chinh nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.